MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Hàng khủng" bất động sản phía Nam Becamex IDC đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá với quy mô vốn hơn 13.000 tỷ đồng

15-06-2017 - 17:24 PM | Doanh nghiệp

Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố (năm 2015), doanh thu thuần Becamex đạt 6.064 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 691 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) với hình thức cổ phần hóa giữ nguyên phần vốn nhà nước, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn.

Becamex IDC có vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, tương đương 1.317.000.000 cổ phần, trong đó 671.670.000 cổ phần Nhà nước nắm giữ, chiếm 51% vốn điều lệ; 4.936.700 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp, chiếm 0,37% vốn điều lệ; 311.207.100 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 23,63% vốn điều lệ; 329.250.000 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 25% vốn điều lệ. Mệnh giá 1 cổ phần là 10.000 đồng.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ khi không bán được cho các nhà đầu tư theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xây dựng tiêu chí, quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn cổ đông chiến lược theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc lựa chọn cổ đông chiến lược bảo đảm các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và thực hiện sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 2.301 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 2.301 người.

Được thành lập năm 1976, tiền thân là Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Bến Cát với hoạt động kinh doanh chính là thu mua nông sản. Đến nay, Beacmex đã chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty và bắt tay vào thực hiện hàng loạt dự án bất động sản, khu công nghiệp lớn tại phía Nam. Trong đó, phải kể tới dự án đầy tham vọng Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương.

Để thực hiện siêu dự án này, Becamex IDC tính toán tổng nhu cầu vốn đến năm 2020 để hoàn thành các dự án thành phần theo quy hoạch là hơn 200.000 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD.

Hiện tại, đã có một số hạng mục của dự án được đưa vào sử dụng. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến Trung tâm hành chính tập trung tỉnh được khánh thành vào ngày 20/2/2014 (khởi công ngày 19/11/2010) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, đưa Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tập trung các cơ quan hành chính tại một cơ ngơi.

Đối với lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, Becamex cũng đã phát triển hàng loạt các dự án, bao gồm Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1-2-3, Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước và góp vốn với Sembcorp Industries thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).

Không chỉ dừng lại ở bất động sản, chiến lược của Becamex là tiếp tục mở rộng đa ngành nghề và có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Như một lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã từng cho rằng, nếu không có Becamex IDC làm đầu tàu, bao sân thực hiện thì các dự án trọng điểm của tỉnh thời gian qua sẽ khó thành công. Điều này cho thấy, Becamex IDC được xem như “chaebol” Bình Dương

Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố (năm 2015), doanh thu thuần Becamex đạt 6.064 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 691 tỷ đồng. Tổng tài sản tính tới 31/12/2015 dạt 36.954 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm 14.368 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn 8.379 tỷ đồng. Nợ phải trả lên tới 18.500 tỷ đồng, chiếm 50% vốn chủ sở hữu.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên