MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt doanh nghiệp khai khống hàng tồn kho, vì đâu nên nỗi?

25-08-2016 - 11:06 AM | Doanh nghiệp

“Thực ra hàng tồn kho ảo không phải do doanh nghiệp khai khống hàng tồn kho, vì chẳng ích lợi gì. Nguyên nhân chính yếu là do họ khai doanh thu ảo từ nhiều năm nay và phải dùng thủ thuật để che giấu".

Hàng tồn kho “bỗng dưng bốc hơi” cả trăm tỷ

Mới đây, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF ) đã gây rúng động thị trường chứng khoán và giáng một đòn choáng váng vào các cổ đông của doanh nghiệp với khoản lỗ bất ngờ lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do kiểm kê phát hiện thiếu tới gần 980 tỷ đồng hàng tồn kho đã khiến cho giá vốn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng vọt lên mức 1.690 tỷ đồng – cao gấp đôi doanh thu. Do đó, TTF lỗ gộp tới 807 tỷ đồng và lỗ ròng 1.073 tỷ đồng.

Cũng giống như TTF, CTCP NTACO (mã ATA ) cũng vừa tạo ra một cú shock lớn đối với các nhà đầu tư khi BCTC kiểm toán của doanh nghiệp này được công bố. Cụ thể, sau kiểm toán ATA bất ngờ báo lỗ 426 tỷ đồng dù báo cáo tự lập trước đó, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục hàng tồn kho của ATA đã “bốc hơi” hoàn toàn thay vì mức 364 tỷ đồng mà công ty công bố trước đó.

Ngoài ra, công ty kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc khoản nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Không đồng ý với kết luận của kiểm toán, Ban lãnh đạo ATA cho biết, đã gửi khiếu nại lên Bộ Tài chính, UBCK, Sở giao dịch chứng khoán vì A&C đã "từ chối đưa ra ý kiến" trong báo cáo kiểm toán, khiếu nại cơ quan pháp luật làm rõ trách nhiệm của Ban giám đốc cũ, đơn vị kiểm toán Tư vấn Đất Việt tại Hà Nội (đơn vị kiểm toán cũ) và A&C (đơn vị kiểm toán mới).

Dù chưa biết khiếu nại của Ban lãnh đạo mới của ATA sẽ đi đến đâu, nhưng trước hết có thể thấy, sự việc này đã khiến các cổ đông mất đi niềm tin vào doanh nghiệp, vào sự minh bạch cũng như năng lực thực sự của Ban điều hành.

Hệ quả từ doanh thu ảo!

Trao đổi với phóng viên BizLIVE, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam cho rằng, dù trong trường hợp nào, thì Ban giám đốc cũng không thể tác động vào ý kiến của kiểm toán viên, bởi đây là ý kiến độc lập, dựa trên bằng chứng kiểm toán.

Trên thực tế, kiểm toán viên không thực hiện kiểm kê hàng tồn kho mà đó là công việc của doanh nghiệp. Kiểm toán chỉ chứng kiến công việc kiểm kê và tuỳ vào quy mô, tính chất hàng tồn kho để thực hiện một số thủ tục kiểm toán liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Long có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp kiểm toán hiện nay tuyển các thực tập sinh ở các trường đại học để cử đi chứng kiến kiểm kê, một thủ tục đặc biệt quan trọng gắn chặt với việc chốt số liệu hàng tồn kho, doanh thu và giá vốn, những khoản mục quan trọng nhất của một doanh nghiệp sản xuất.

“Đây là một vấn đề bởi về bản chất, kiểm toán không thực hiện kiểm kê mà là doanh nghiệp thực hiện nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều này để “qua mặt” kiểm toán, kể cả những “ông” rất lớn”, ông Long nói.

Theo chuyên gia này, thực ra việc hàng tồn kho không tồn tại đã được cảnh báo từ trước đó một vài năm khi các doanh nghiệp dùng thủ thuật Cross-Trade để biến doanh thu khai khống thành hàng tồn kho ảo, sau đó qua mặt kiểm toán viên "non" thông qua việc tham gia chứng kiến kiểm kê chưa đạt chuẩn.

“Thực ra hàng tồn kho ảo không phải do doanh nghiệp khai khống hàng tồn kho, vì chẳng ích lợi gì. Nguyên nhân chính yếu là do họ khai doanh thu ảo từ nhiều năm, và phải dùng thủ thuật “cross trade” để xử lý”, ông Long phân tích.

Với ATA, việc tự ghi giảm hồi tố giá trị hàng tồn kho lên đến 365 tỷ đồng vào báo cáo bán niên 2016 là bằng chứng rõ nhất về việc số lượng hàng tồn kho này không tồn tại vào thời điểm 31/12/2015, mà BCTC 2015 đến thời điểm này vẫn chưa được công bố với kết quả kiểm toán chính thức.

Sự việc nói trên cho thấy, vấn đề quản trị của công ty gặp vấn đề nghiêm trọng khi sự giám sát của cổ đông và ban kiểm soát dường như không hiệu quả. Một số cổ đông lớn, Ban điều hành đã chủ động che giấu thông tin thật về hàng tồn kho. Và cái kết là cổ đông thiểu số bị thiệt hại cực lớn khi giá cổ phiếu giảm xuống mức "trà đá". Theo chuyên gia, chất lượng giám sát cực kém cũng là nguyên nhân khiến chất lượng kiểm toán đi xuống khi tính độc lập của kiểm toán có thể bị đe dọa. Và như thế chất lượng thông tin tài chính trên thị trường sẽ là một vấn đề đau đầu đối với những người đang tham gia thị trường.

Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên