MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và đội vốn

05-06-2019 - 09:39 AM | Bất động sản

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải đã giải trình về việc các dự án đường sắt đô thị hầu hết chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.

Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải, 5 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, gồm: Dự án đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên; dự án đường sắt đô thị Tp.HCM tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn-Ga Hà Nội; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông và dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi.

Đối với 2 dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành -Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tuyến số 1 có giá trị thực hiện đạt 63,91%, hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố hơn 2 nghìn tỷ đồng trong khi chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Tuyến số 2 có 9 gói thầu, trong đó Gói thầu CP1 đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai do vướng mắc về việc điều chỉnh dự án và nguồn vốn cho dự án.

Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và đội vốn - Ảnh 1.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn-Ga Hà Nội, đến hiện tại, tổng tiến độ dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022.

Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi, hiện tại tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ gói thầu, cập nhật thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu của gói thầu chuẩn bị mặt bằng và xử lý nền đất yếu khu Tổ hợp Ngọc Hồi; đang thực hiện thanh quyết toán Hợp đồng Tư vấn giám sát khảo sát.

Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, hiện đang vận hành, căn chỉnh toàn hệ thống để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.

Trong 5 dự án này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông khiến người dân bức xúc vì liên tục chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

Đề cập về vấn đề tăng tổng mức đầu tư một số dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nguyên nhân chính của việc tăng tổng mức đầu tư là do chất lượng lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt, các dự án đường sắt đô thị đều là các dự án lớn và công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam nên các tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu.

Ngoài ra, yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dự án cũng dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến các dự án phải điều chính vốn là do cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập như kế hoạch vốn ODA hằng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Bên cạnh đấy, đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ.

Hạ Vy

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên