MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt "ông trùm" của Apple, Uber, Twitter bị sa thải vì những lý do không ai ngờ tới

27-06-2017 - 07:00 AM | Sống

Các nhà sáng lập như Steve Jobs, Travis Kalanick mang một niềm đam mê vô tận với công ty mà họ gây dựng nên. Tuy nhiên, điều này cộng với năng lực chuyên môn vẫn không thể cứu nổi họ trong cú sốc bị đá khỏi công ty do chính họ sáng lập. Dưới đây là 5 CEO nổi tiếng từng bị sa thải bởi chính ban giám đốc và nhà đầu tư.

Travis Kalanick – Uber

Vào một đêm lạnh ở Paris vào cuối năm 2008, Travis Kalanick và người bạn Garrett Camp đã cùng nhau lên ý tưởng cho một dự án mà sau này trở thành thương hiệu Uber nổi tiếng toàn cầu. Họ bắt đầu làm việc trên một mẫu thử nghiệm vào tháng 3 năm 2009, rất nhanh sau đó, Travis trở thành giám đốc điều hành của công ty và cái tên của ông đã đi vào huyền thoại của thung lũng Silicon nổi tiếng mọi thời đại. Hiện nay, Uber là công ty vận tải công nghệ hoạt động tại hơn 600 thành phố trên thế giới với gần 9 tỷ USD huy động từ các nhà đầu tư và tăng giá trị của nó lên tới gần 70 tỷ USD.

Tuy nhiên, Uber gần đây đang vướng phải một vấn đề lớn về bê bối tình dục. Hãng kinh doanh ứng dụng gọi xe này đã đối mặt với vô số chỉ trích về cách đối xử với nhân viên nữ sau khi một cựu nhân viên tiết lộ trải nghiệm đau buồn của cô tại Uber. Sự cố dẫn tới 2 cuộc điều tra nhằm làm sáng tỏ 215 khiếu nại về các hoạt động quấy rối cũng như những cáo buộc khác. Vụ việc này giáng một đòn nặng nề đến Uber khi nhiều lãnh đạo cấp cao của Uber phải lần lượt từ chức, kể cả một vị quản lý mảng kỹ thuật từng quấy rối tình dục nhân viên nữ ở cơ quan cũ.

Một nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết, Travis đã phải chịu nhiều áp lực từ phía nhà đầu tư và anh vừa rời khỏi chức vị CEO để tránh gây ra thêm những rắc rối khác. Phía Uber cũng đưa ra thông báo: “Đây là một quyết định thật sự khó khăn nhưng nó cho thấy tình yêu và sự cống hiến của Travis với Uber. Rời khỏi vị trí CEO, anh ấy sẽ có thời gian nghỉ ngơi sau những biến cố lớn trong cuộc sống cá nhân còn Uber thì có cơ hội tiếp cận với những chiến lược khác nhằm bước sang trang lịch sử mới”.

Steve Jobs - Apple

Huyền thoại nổi tiếng của thung lũng Silicon, Steve Jobs, bị Apple sa thải vào năm 1985, mặc dù đó là công ty mà ông và nhà phát minh Steve Wozniak đồng sáng lập. Khi Apple bắt đầu lớn mạnh, họ đã mời John Sculley về điều hành công ty do ông có kinh nghiệm là giám đốc điều hành của Pepsi với nhiều thành tích ấn tượng. Dù John không có chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực công nghệ, thời gian đầu, Steve và John kết hợp khá ăn ý và thân thiết với nhau. Nhưng sau đó, Steve bắt đầu nhận ra sự bất đồng về hướng đi của công ty trong tương lai giữa hai người.

Đến khoảng tháng 3 năm 1985, mối quan hệ giữa Steve và John trở nên cực kỳ căng thẳng. Doanh số của Mac không được tốt và Steve muốn giảm giá, đồng thời đầu tư quảng bá sản phẩm và giảm tập trung vào Apple II. Trong khi đó, John không đồng ý và cho rằng Mac vẫn chưa sẵn sàng và công ty cần đẩy mạnh Apple II hơn. John gọi Steve là lừa đảo và đến gặp Ban giám đốc về vấn đề này.

Phó chủ tịch Ban giám đốc lúc đó là Mike Markkula. Ông đã nói chuyện với những người chủ chốt tại công ty lúc đó để xem Steve hay John là người đúng. Sau 10 ngày, Mike báo cáo với Ban giám đốc là hầu hết mọi người đều nói rằng John là người đúng, Mac chưa sẵn sàng và Steve bị yêu cầu xuống khỏi vị trí trưởng nhóm MacIntosh.

Nhớ lại những ngày tháng đó, Steve cho biết, trong một vài tháng đầu tiên, ông không biết nên làm gì và luôn cảm giác mình đã làm cho thế hệ đi trước thất vọng và ông đã đánh rơi lá cờ khi nó được chuyển đến tay. Ông thừa nhận, ông đã thua một cách rõ ràng và thậm chí đã có ý định bỏ cuộc.

Tuy nhiên, có một cái gì đó bắt đầu sáng dần lên và ông nhận ra mình vẫn dành rất nhiều tình cảm cho những gì ông đã tạo ra. Sự việc xảy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong ông, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, ông đã quyết định bắt đầu lại.

Jack Dorsey - Twitter

Tháng 10 năm 2008, nhà đồng sáng lập Twitter, Ev Williams, đã sa thải Jack Dorsey khỏi vai trò Giám đốc điều hành, chỉ một năm rưỡi sau khi Twitter chính thức thành lập. Đối với ông, đó là một cú sốc lớn. Ông chia sẻ, đã tự đặt mình vào một tình huống dở khóc dở cười khi công ty do 2 người thành lập mà lại giống như công ty của một mình Ev.

Ev Williams là nhà tài trợ đồng thời cũng là chủ tịch còn Jack Dorsey chỉ là một người mới, một lập trình viên đóng góp ý tưởng cho công ty. Về cơ bản, Jack không đủ mạnh để chống lại Ev vì Ev lớn tuổi và khôn ngoan hơn.

Tuy nhiên, Jack Dorsey không để vấn đề này làm nản chí. Trong năm 2009, ông đã thành lập Square, một nền tảng thanh toán di động, trong quý tài chính gần đây nhất đã xử lý 13,6 tỷ USD tiền thanh toán. Năm 2015, ông trở lại vị trí giám đốc điều hành của Twitter và sau đó là giám đốc điều hành Dick Costello. Hiện nay, Jack đang điều hành cả Twitter và Square.

Parker Conrad - Zenefits

Zenefits được thành lập vào năm 2013, chỉ sau hai năm, công ty dịch vụ nhân sự dựa trên điện toán đám mây Zenefits đã huy động được hàng trăm triệu đô la vốn đầu tư mạo hiểm, nâng giá trị của nó lên đến 4 tỷ đô la. Nhưng cùng với sự phát triển chóng mặt, Zenefits cũng gặp phải nhiều vấn đề với sản phẩm của mình. Họ đã tạo ra một phần mềm cho phép các nhà môi giới gian lận trong quá trình cấp phép và đang bị điều tra ở California và Washington. Ngoài ra, công ty cũng phải đối mặt với nhiều cáo buộc về văn hóa "Wolf of Wall Street", một loại văn hóa công sở cho phép mọi người tự do làm mọi thứ mình thích, kể cả hút thuốc, ăn uống và quan hệ tình dục.

Đối mặt với nguy cơ không thể kiểm soát nổi nhân viên và những tai hoạ pháp lý, hội đồng quản trị đã sa thải sáng lập viên - CEO Parker Conrad vào tháng 2 năm 2016. Hiện Conrad bắt đầu một công ty mới, Rippling, nhận được 7 triệu đô la tài trợ hồi đầu năm. Rút kinh nghiệm từ bài học Zenefits, Parker đang tìm một hướng điều hành khác và tính toán chu toàn hơn về các trường hợp phức tạp trong phát triển kinh doanh.

Andrew Mason - Groupon Inc

Andrew Mason, cựu giám đốc điều hành của trang giao dịch Groupon, đã bị công ty sa thải vào tháng 2 năm 2013, do phải chịu trách nhiệm về những suy thoái tài chính của công ty. Trong bức tâm thư gửi nhân viên trước khi rời đi, Andrew chia sẻ: "Sau bốn năm rưỡi làm việc không ngừng nghỉ dưới cương vị là CEO của Groupon, tôi đã quyết định dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng nói thật lòng, tôi bị sa thải. Là giám đốc điều hành, tôi phải chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính và sự rớt giá của cổ phiếu. Groupon và bạn xứng đáng được hưởng thụ nhiều như những gì các bạn đã cống hiến. Tôi hy vọng, một CEO mới sẽ mang đến cho các bạn điều tốt đẹp đó”.

Đối với Andrew, sự thất bại này không làm ông suy sụp, hơn nữa, đây là một cơ hội để ông rèn luyện sự kiên cường. Ông sẽ dành thời gian để thư giãn và sau đó bắt đầu một điều gì đó mới mẻ hơn.

Nguyễn Nguyễn

CNBC

Trở lên trên