Hàng loạt quốc gia châu Á từ bỏ 'zero Covid'
Ảnh: The Guardian
Sự nổi lên của biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao, đã khiến chiến lược "Zero Covid" không còn hiệu quả. Các quốc gia dần tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng và học cách sống chung với dịch.
- 12-10-2021Khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch
- 12-10-2021Một chỉ số thống kê mới trong quý 3 đang trở nên đáng lo ngại?
- 12-10-2021Báo Anh: Chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục tắc, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng rút ngắn các tuyến chở hàng
Trong phần lớn thời gian kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu đến nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã áp dụng chiến lược “Zero Covid” nhằm đưa số ca nhiễm về 0.
Chiến lược “Zero Covid” đòi hỏi các địa phương phải phong tỏa chặt chẽ (dù chỉ phát hiện ra một hoặc vài ca lây nhiễm), xét nghiệm diện rộng, kiểm soát biên giới, đồng thời đẩy nhanh truy vết và áp dụng các quy định cách ly y tế bắt buộc.
Nhờ chiến lược như vậy, các quốc gia đã hạn chế số ca tử vong do Covid-19 ở mức rất thấp, vượt qua được giai đoạn trước khi có vaccine với tổn thất tối thiểu. Đến nay, New Zealand mới có 27 ca tử vong liên quan đến Covid.
Tuy nhiên, với sự nổi lên của biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao, đã khiến cho cách tiếp cận này không còn phát huy tác dụng.
Tại Singapore, số ca nhiễm mỗi ngày đã tăng từ vài chục ca vào đầu tháng 7 lên hơn 3.000 ca vào thời điểm hiện tại. Tương tự, Australia cũng ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc Covid mỗi ngày.
“Zero Covid trong trung đến dài hạn là mục tiêu không bền vững”, bác sỹ bệnh truyền nhiễm Peter Collignon, giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhận định với Bloomberg. Do đó, việc các quốc gia từ bỏ chiến lược “nhổ tận gốc" Covid-19 là phù hợp.
Nguồn: baochinhphu.vn
Vào tuần trước, New Zealand đã từ bỏ chiến lược loại trừ Covid-19 khi đang phải đối mặt với một đợt bùng phát đầy thách thức. Thay vào đó, nước này sẽ tập trung vào việc tăng tỷ lệ tiêm chủng và học cách sống chung với virus.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết: "Với sự bùng phát do biến thể Delta, việc đạt được "Zero Covid" là vô cùng khó khăn. "Đây là một sự thay đổi trong cách tiếp cận mà chúng tôi luôn thực hiện theo thời gian. Đợt bùng phát do biến thể Delta đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này".
Động thái này diễn ra vài tuần sau khi thành phố Auckland ghi nhận trường hợp Covid-19 đầu tiên sau gần 6 tháng không có ca mắc mới. Tính đến nay, thành phố đã phong tỏa gần 50 ngày. Các hạn chế cũng được mở rộng cho một số vùng khác của đất nước.
Bà Ardern cho hay, các hạn chế ở Auckland sẽ được nới lỏng bắt đầu từ ngày 6/10, cho phép người dân rời khỏi nhà và thực hiện một số hoạt động ngoài trời. Tương tự như New Zealand, quyết định của Australia khi chấm dứt chiến lược “Zero Covid” được đưa ra sau khi các biện pháp phong tỏa tại thành phố Melbourne không thể kiểm soát được đà lây lan dịch bệnh tại đây.
Kể từ tháng tới, mục tiêu đầu tiên của quốc gia này chính là cho phép tất cả người dân được quay trở lại với cuộc sống bình thường. Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng vừa thông báo, trong tháng 11 tới, các bang đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số sẽ mở trở lại cho hoạt động đi lại quốc tế, bắt đầu với bang đông dân nhất ở nước này là New South Wales.
Thủ tướng Morrison đồng thời cho biết chính phủ sẽ xem xét việc đi lại không phải cách ly giữa một số quốc gia, nếu điều này bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đối với Singapore, vào tháng 6, Chính phủ nước này cho biết đã đến lúc phải sống chung với dịch. Chương trình tiêm chủng của Singapore được coi thành công nhất ở châu Á, với 83% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Việc phủ sóng vaccine có thể bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh nặng và tử vong, cùng với đó là nới lỏng những nỗ lực kiểm soát số ca nhiễm.
Tuy nhiên, vào hồi tháng 9, với số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau 8 - 10 ngày, Chính phủ Singapore đã khôi phục các hạn chế đối với các cuộc tụ tập đông người. Người dân một lần nữa được khuyến cáo làm việc tại nhà và trẻ em tiếp tục học trực tuyến.
Một bản kiến nghị đã được đệ trình lên, nhằm yêu cầu việc kiểm dịch bắt buộc đối với tất cả khách du lịch nước ngoài.
Việc từ bỏ chiến lược “Zero Covid” ở thời điểm hiện nay không có nghĩa là chiến lược này sai lầm ngay từ đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm và y tế cộng đồng dần nhất trí với quan điểm rằng Covid-19 là căn bệnh mà thế giới sẽ dần phải làm quen, virus sẽ trở nên đặc hữu và không thể bị xóa bỏ.