Hàng ngàn lít xăng giả tại Vũng Tàu được sản xuất như thế nào?
Xăng giả được pha theo tỉ lệ 7 phần xăng A95, 3 phần hóa chất. Từ đầu tháng 9-2020 đến nay, các đối tượng đã nhiều lần thực hiện hành vi pha chế xăng giả rồi bán cho một cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương và khách hàng tại Đồng Nai, hưởng lợi 600 - 800 đồng/lít.
- 21-01-2020Khởi tố các chủ cửa hàng bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng
- 18-01-2020Đề nghị truy tố đại gia xăng giả Trịnh Sướng
- 29-08-2019Vụ xăng giả Trịnh Sướng: Thêm 1 'mắt xích' quan trọng bị khởi tố
Ngày 5-11, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết vừa phát hiện và thu giữ hơn 70.000 lít xăng giả tại một kho hàng trên địa bàn TP Vũng Tàu.
Theo BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực hiện chuyên án đấu tranh với hoạt động sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Vũng Tàu, BĐBP tỉnh đã mật phục, kiểm tra kho hàng số 7/35 Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu thuộc Công ty TNHH TMVT Xăng dầu 89 do Nguyễn Văn Nhân (SN 1985) làm giám đốc. Lực lượng BĐBP phát hiện nơi này đang thực hiện hành vi bơm hút chất lỏng từ trong kho hàng lên xe bồn do Nguyễn Minh Chiến làm tài xế.
Những thùng xăng giả trong kho hàng
Tại thời điểm kiểm tra, trên xe bồn có khoảng 2.000 lít và trong kho có khoảng 70.117 lít chất lỏng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều túi hóa chất để làm xăng giả, 4 mặt nạ phòng độc và một số tang vật khác dùng để pha chế.
Nguyễn Văn Nhân khai nhận là chủ kho hàng, hàng hóa trong kho có giá trị khoảng trên 600 triệu đồng nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, tính hợp pháp của hàng hóa.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng thu giữ nhiều tang vật liên quan
BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH TMVT Xăng dầu 89, người đại diện pháp luật là Nguyễn Văn Nhân về hành vi "Tàng trữ hàng hóa trong khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp"; đồng thời ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép chứng chỉ hành nghề để điều tra, làm rõ. Ngoài Nhân và Chiến, cơ quan chức năng còn làm việc với các đối tượng liên quan.
Theo lời khai của các đối tượng thì quy trình sản xuất xăng giả được thực hiện như sau: Sau khi mua xăng A95 về, xăng giả sẽ được pha theo tỉ lệ 7 phần xăng, 3 phần hóa chất. Để tạo thành 10 m3 xăng A95 giả, các đối tượng kết hợp 7 m3 xăng A95 thật pha trộn với 3 m3 hóa chất và 3 thìa cà phê chất bột tạo màu vàng.
Kiểm tra xăng bên trong các thùng chứa
Toàn bộ các thành phần hợp chất nêu trên được bơm vào bồn tự thiết kế loại 60 m3 và sử dụng máy bơm có gắn môtơ điện, bơm đảo chiều thành vòng tròn liên tục 40 phút thì kết thúc quy trình sản xuất xăng giả. Sản phẩm có được là xăng A95 giả.
Từ đầu tháng 9-2020 đến nay, các đối tượng đã nhiều lần thực hiện hành vi pha chế xăng giả rồi bán cho một cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương và khách hàng tại Đồng Nai, hưởng lợi 600 - 800 đồng/lít.
Người lao động