MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Tết dồi dào, giá dễ chịu

20-01-2020 - 08:41 AM | Thị trường

Giá nhiều mặt hàng tươi sống đang rẻ hơn so với cùng kỳ trong khi thị trường thịt heo tương đối ổn định. Sức mua thịt heo vẫn còn thấp hơn so với những Tết trước.

Tổng lượng hàng phục vụ thị trường Tết Canh Tý 2020 tương đương Tết Kỷ Hợi 2019. Thông tin từ thương lái và nhà sản xuất tại Lâm Đồng cho biết năm nay các mặt hàng rau rất dồi dào; trong đó bắp cải, cải thảo, cà rốt, cà chua, xà lách rất nhiều nên không lo thiếu, tăng giá mà ngược lại còn có khả năng hạ giá trong những ngày tới.

Rau củ, trái cây rất nhiều, giá không biến động

Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cho biết trong năm 2019, lượng hàng nhập chợ bình quân 3.537 tấn/ngày. Ngày 24 tháng chạp, lượng hàng về chợ đã tăng lên 4.600 tấn/ngày và có khả năng đạt mức 6.500 - 7.000 tấn/ngày trong 3 ngày cao điểm 26 đến 28 tháng chạp. "Nhà vườn trồng cà chua tại Đơn Dương (Lâm Đồng) đang khóc ròng vì sản lượng quá nhiều, giá rớt thê thảm. Hiện cà chua, dưa leo, su su đang bán rẻ hơn so với cùng kỳ Tết 2020. Cải sậy của Đà Lạt (dùng để làm dưa cải chua) chỉ còn 3.000 đồng/kg, cà chua chỉ 5.000 - 6.000 đồng/kg… Trái cây chưng Tết cũng rất nhiều, dự kiến đến cao điểm 27 - 28 âm lịch sẽ nhích giá thêm 5.000 đồng/kg so với Tết 2019. Trong đó, khả năng bưởi da xanh (loại không cành), bưởi Năm Roi, thanh long, dưa hấu, nhãn, đu đủ sẽ không tăng" - ông Nhu thông tin và cho biết một số thương lái, thương nhân tại chợ đang lo bán không hết hàng chứ không sợ thiếu.

Hàng Tết dồi dào, giá dễ chịu - Ảnh 1.

Rau củ quả Đà Lạt đang rất dồi dào, dự báo sẽ ít biến động giá trong những ngày Tết

Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng nhập chợ những ngày qua đã tăng nhẹ, từ nay đến 30 Tết sẽ tăng lên 50% - 70% so với ngày thường, cao nhất khoảng 4.500 tấn/ngày. Theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, các thương nhân đã có kế hoạch dự trữ trên 2.000 tấn hàng hóa tại các kho lạnh, xe container lạnh và sẽ luân chuyển thường xuyên để kịp thời bổ sung nguồn hàng tại chợ. Bên cạnh đó, các thương nhân lớn đã chủ động đầu tư dự trữ hàng trên cánh đồng và tổ chức thu hoạch phù hợp với phiên chợ nên không sợ thiếu hàng hóa. "Ban quản lý chợ đã thống kê 24 mặt hàng rau củ, trái cây có sản lượng lớn tại chợ và ghi nhận xu hướng đứng giá hoặc giảm giá so với đầu tháng; chỉ tăng khoảng 3% so với 1 năm trước" - ông Tiển nêu thực tế.

Tối 18-1 (24 tháng chạp), bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đã dẫn đoàn làm việc của TP HCM khảo sát thực tế tại 2 chợ đầu mối. Trao đổi với ban quản lý các chợ, bà Trang cho hay tỉnh Lâm Đồng đã xác nhận hàng hóa đưa về TP HCM trong Tết năm nay sẽ tương đương hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2019. Thực tế kinh doanh tại TP cũng cho thấy lượng hàng sung túc, một số mặt hàng được giảm giá hoặc giảm sâu. "Để tránh tình trạng hàng dội chợ, giảm giá, ngay từ bây giờ cần vận động thương nhân điều tiết lượng hàng về chợ, không nói thách, làm giá nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể chọn mua sớm" - bà Trang nói.

Thở phào với mặt hàng thịt heo

Sở Công Thương TP HCM cũng lưu ý Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn tập trung vào mặt hàng thịt heo bởi nơi đây là trung tâm phân phối thịt heo cho TP HCM. Cũng theo bà Trang, 4 ngày cuối năm là cao điểm tiêu thụ thịt heo nên cần theo dõi sát diễn biến giá cả, lượng hàng, làm sao phối hợp cùng TP HCM giữ giá mặt hàng này.

Ba ngày trở lại đây, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn đã tăng khoảng 1.000 con/ngày (60 tấn), đạt mức 5.500 con/ngày, giá vẫn ổn định. "Giá heo hơi duy trì ở mức là 83.000 đồng/kg đã 34 ngày qua và đang có xu hướng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg. "Có thể nói thị trường thịt heo đã trở lại ổn định về số lượng lẫn giá cả, các trại chăn nuôi nhỏ thấy thị trường không có khả năng hút hàng nên đã bán heo ra với giá ổn định" - ông Tiển lạc quan. Hiện giá heo mảnh tại chợ đầu mối giảm từ 118.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg (giảm 15%), giá thịt heo cốt lết giảm từ 112.000 đồng/kg còn 95.000 đồng/kg (giảm 15%).

Theo các thương lái, lượng heo tại các trang trại có giảm so với trước nhưng trong thời gian 4 ngày tới vẫn bảo đảm đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết. Nếu TP tiếp tục tác động mạnh, tích cực như hiện nay đến các trang trại lớn như CP, CJ, Japfa, Vĩnh Tân… kể cả doanh nghiệp lớn như Vissan thì chắc chắn giá cả sẽ tiếp tục được kiểm soát cho đến Tết.

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho hay giá thịt heo vẫn đang đứng ở mức cao so với cùng kỳ Tết các năm trước nên tiêu thụ thịt heo của Vissan vẫn còn giảm 15%. "Để bổ sung nguồn hàng, các cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan bày bán thịt heo đông lạnh với giá thấp hơn thịt heo giết mổ nóng 15%-20%. Ngoài ra, công ty đã cải tiến và tung ra thị trường sản phẩm thịt heo thảo mộc không kháng sinh, đóng gói 200 g, 300 g đến 500 g" - ông Dũng nói. Đại diện Vissan cho biết công ty cam kết giảm giá 10%-20% một số mặt hàng thịt heo, bò trong 3 ngày cuối năm (từ 28 đến 30 Tết).

Siêu thị tăng giờ mở cửa,đông nghẹt khách

Đến chiều 19-1 (25 tháng chạp), các hệ thống siêu thị tại TP HCM cho biết lượng khách đến mua sắm đã tăng gấp 3-4 lần ngày thường dù thời gian mở cửa bán hàng đã được kéo dài thêm 1-2 giờ, tùy siêu thị. Do lượng khách đặc biệt đông đúc nên tại nhiều siêu thị, khách phải xếp hàng dài, chờ đợi khá lâu mới đến lượt thanh toán. Các mặt hàng tiêu dùng ngày Tết như bánh mứt, nước ngọt, bia, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống... bán chạy nhất và cũng là nhóm hàng khuyến mãi nhiều nhất. Nhóm hàng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, hàng thực phẩm thiết yếu cũng sẽ được ưu tiên giảm giá trong những ngày tới, đặc biệt trong 2-3 ngày cận Tết.

Hàng Tết dồi dào, giá dễ chịu - Ảnh 2.

Do lượng khách tăng gấp 3-4 lần ngày thường nên cảnh tượng xếp hàng chờ tính tiền diễn ra thường xuyên tại các siêu thị

Doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thịt heo

Ngày 19-1, Bộ Công Thương cho biết trước tình hình dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt heo trong nước, Bộ Công Thương đã họp với sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối quy mô lớn, kết nối và đưa ra các giải pháp cần thực hiện nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Tại cuộc họp, các DN chăn nuôi và phân phối đã cam kết sẽ giảm giá bán heo thịt ra thị trường.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu thịt heo để bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho thị trường trong nước, trước mắt tập trung nhập khẩu 100.000 tấn trong quý I/2020. Theo Bộ Công Thương, các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... đã vận động một số DN phân phối tại địa phương đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống, trong đó có thịt heo, vào diện bình ổn thị trường. M.Chiến


Theo Phương An

Người lao động

Trở lên trên