Hàng tỉ USD chạy khỏi các nước, đổ vào Việt Nam
Một bộ phận doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu.
Trong khi hàng chục tỉ USD rút khỏi các nước ASEAN thì Việt Nam (VN) vẫn thu hút được tới 1,5 tỉ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm nay.
Nhà đầu tư nước ngoài tin Việt Nam
Ngày 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) VN (VBF) cuối kỳ 2018 đã diễn ra tại Hà Nội. Trước khi đưa ra những nhận định tích cực về kinh tế nước ta, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn, không quên chúc mừng VN vừa thắng Philippines ở bán kết AFF Cup.
Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn cho hay nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi VN. Thực tế trong sáu tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỉ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỉ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỉ USD khỏi Philippines… nhưng lại đổ 1,5 tỉ USD đầu tư vào VN.
“Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt lòng tin vào VN” - nhóm công tác nhận định. Đặc biệt, thị trường vốn VN đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ mức 70 tỉ USD tăng lên 200 tỉ USD.
Mặt khác, ông Scriven nhận định: Thông qua quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong năm qua, ngân sách nhà nước thu về gần 10 tỉ USD. “Việc Chính phủ trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi là hết sức phù hợp, kịp thời” - ông Scriven nhận xét.
Tuy nhiên, sau đó ông Scriven đã nêu một số mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán với Luật Đầu tư và nhấn mạnh rằng cần phải điều chỉnh lại những quy định chưa phù hợp, vì VN chưa phát triển các định chế tài chính đủ mạnh để kêu gọi vốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, nhóm Công tác thị trường vốn cũng khuyến cáo VN không nên quá lo lắng việc mất kiểm soát vì VN vẫn có thể thu hút tương đối nhanh dòng vốn nếu có thêm các quy định về bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Phản hồi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn khẳng định: “Thị trường chứng khoán VN đã có độ mở lớn, nhiều lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài đã được sở hữu 100%. Về nâng hạng thị trường, hiện nay thị trường của chúng ta đang ở mức cận biên. Theo sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sắp tới cố gắng được nâng hạng lên thị trường mới nổi”. Ông Sơn cũng lưu ý dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi.
Quan trọng là biết tận dụng cơ hội
Những rủi ro lẫn cơ hội của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn. Đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại VN (AmCham), ông Michael Kelly, cho biết một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các công ty Mỹ ở Trung Quốc cho thấy 1/3 đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại.
Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cũng chỉ ra một nửa đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á, trong đó có VN là lựa chọn hàng đầu của họ.
“Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và VN đang có được lợi ích từ một số DN đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để VN có thể tận dụng triệt để cơ hội này nhằm tiếp tục giữ vững tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng” - đại diện AmCham nêu vấn đề.
Thực tế cho thấy VN thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều DN nước ngoài tại VN là thật sự tốt cho nền kinh tế VN hay không. Ví dụ, một đại biểu Quốc hội gần đây đã nói: “Với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, VN sẽ bị ảnh hưởng khi những DN này rút khỏi VN” - đại diện AmCham dẫn chứng.
Từ đó, AmCham kết luận rằng: Không có lý do gì để các công ty rời khỏi VN nếu các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của quốc gia ổn định, có thể tiên lượng được. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhận định: Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang cũng là cơ hội cho VN. Một bộ phận DN Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á và VN là lựa chọn hàng đầu.
“Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là cơ hội. Chìa khóa để tận dụng xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu vẫn phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con, thiết lập hành lang pháp lý cho đối tác công-tư... vẫn là những vấn đề khiến cộng đồng DN lo ngại” - ông Lộc thẳng thắn.
Đưa vấn đề doanh nghiệp lên đầu sổ tay điều hành của lãnh đạo
Phát biểu bế mạc Diễn đàn DN VN (VBF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Chính tinh thần doanh nhân và khí thế của các bạn là liều thuốc tinh thần động viên Chính phủ phải hành động mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn và nhanh hơn nữa".
Thủ tướng cho biết đã lắng nghe, ghi chép tất cả ý kiến mang tính xây dựng lẫn phê bình. Theo Thủ tướng, VN giờ đã là một "công xưởng lớn" của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở VN như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike, Vinacapital và hàng ngàn công ty đầu tư nước ngoài khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của VN.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả ba bên gồm DN VN, các nhà đầu tư nước ngoài tại VN và Chính phủ.
"Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên đưa các quan tâm của DN vào trong các chương trình nghị sự của mình; phải đưa vấn đề của DN lên trang đầu trong quyển sổ tay điều hành của lãnh đạo" - Thủ tướng nói.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh