MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

70% mũ bảo hiểm xe máy là mũ giả

28-08-2013 - 09:07 AM |

Hiện VN có khoảng 60 nhà nhập khẩu mũ bảo hiểm, 30 nhà sản xuất trong nước, với khoảng 120 nhãn hiệu. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng trên 30 đơn vị được công bố chất lượng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

Ngày 27-8, tại TP.HCM, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, Chi cục Quản lí chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, phối hợp Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM... tổ chức Hội thảo "Mũ bảo hiểm an toàn an toàn cho người tiêu dùng".

Theo kết quả điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hiện nay tỉ lệ người đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy đạt khoảng  90%, tuy nhiên chỉ có 30% là đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng, còn lại 70% là mũ giả, mũ kém chất lượng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 60 nhà nhập khẩu mũ bảo hiểm (phần lớn từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc) và trên 30 nhà sản xuất trong nước, với khoảng 120 nhãn hiệu khác nhau. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng trên 30 đơn vị được công bố chất lượng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trên 60% các lô mũ bảo hiểm trên thị trường được kiểm tra thiếu tên hàng hóa, trong khi các lô mũ nhập khẩu phần lớn không có tem chứng nhận chất lượng, không rõ xuất xứ.

Ông Đỗ Hữu Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lí thị trường, Bộ Công Thương cho biết, qua các đợt kiểm tra về tình hình sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lí thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 3.700 vụ về mũ bảo hiểm, trong đó phát hiện 1.800 vụ vi phạm, tịch thu và tạm giữ 58.000 chiếc mũ bảo hiểm, xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu đối với doanh nghiệp sản xuất là không đăng kí kinh doanh, kinh doanh không đúng nội dung đăng kí, sản xuất mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn kĩ thuật, vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, giả nhãn hiệu đã được bảo hộ, giả mạo kiểu dáng, không có dấu chứng nhận hợp quy, sử dụng dấu hợp quy giả. Vi phạm đối với doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu là không có hồ sơ nhập khẩu, không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ ghi không đúng, không đủ nội dung bắt buộc, không ghi tên, địa chỉ của nhà sản xuất, không đúng nguồn gốc xuất xứ…

Từ thực tế kiểm tra, xử lí mũ bảo hiểm trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM cho biết, quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở làm cho công tác quản lí, kiểm tra và xử lí gặp nhiều khó khan, như: chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng đối với các linh kiện, bộ phận hợp thành của mũ bảo hiểm. 

Việc xử lí tang vật là mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ bảo hiểm không công bố hợp quy, pháp luật hiện hành chỉ quy định đối với cá nhân, tổ chức vi phạm là người sản xuất chưa có quy định đối với cá nhân, tổ chức vi phạm là người kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn cho phép nhà sản xuất tự in tem CR sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy là một sơ hở để các đối tượng lợi dụng in tem CR giả lưu hành trên thị trường làm cho công tác điều tra phát hiện hết sức khó khăn…

Nhằm tăng cường quản lí thị trường mũ bảo hiểm, đại diện Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND các quận, huyện lập danh sách và thực hiện các biện pháp xóa các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm trên lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng tích cực tuyên truyền vận động thuyết phục để người kinh doanh chấp hành tốt quy định về trật tự đô thị, người tiêu dùng không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc không rõ chất lượng bày bán trên lòng, lề đường.

Ngoài ra, theo kiến nghị của Chi cục Quản lí thị trường TP.HCM, Chính phủ cần quy định sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện, đồng thời, tem CR dán lên mũ bảo hiểm phải do cơ quan quản kí về chất lượng phát hành và quản kí không giao cho doanh nghiệp tự in...

Theo Nguyễn Huế

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên