MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp trần giá sữa: Người mua chưa lợi

30-06-2014 - 11:55 AM |

Các sản phẩm sữa tới người tiêu dùng không được giảm giá nhiều vì nhập nhằng ở khâu phân phối.

Việc áp trần giá sữa được thực thi đến nay hơn một tuần. Đây là biện pháp mà Bộ Tài chính đưa ra để người tiêu dùng (NTD) mua sữa với giá hợp lý. Ngoài 25 sản phẩm nằm trong danh mục Bộ Tài chính áp giá, các sản phẩm còn lại tự các doanh nghiệp (DN) xác định để tính giá trần thì mức giá vẫn như cũ hoặc chỉ giảm vài ngàn đồng/sản phẩm. Do vậy để mua được hộp sữa đúng với giá quy định cũng còn là chuyện hên xui.

Siêu thị, cửa hàng bán cao hơn giá trần quy định

Mặc dù năm DN trong diện áp giá trần đã đăng ký giá bán lẻ tối đa lên cơ quan chức năng và thông báo đến cửa hàng bán lẻ, song trên thực tế NTD vẫn bị mua sữa giá cao hơn giá bán lẻ tối đa.

Chị Nguyễn Thị H. (Tân Bình) đang chọn mua sữa ở một cửa hàng không vui mấy khi hộp Dielac Alpha 123 loại 900 g có giá cao hơn giá trần bán lẻ tối đa khoảng 2.000-3.000 đồng.

Tại Maximark Cộng Hòa, chị Lê Thị Hòa (Tân Bình) không khỏi giật mình khi nhìn thấy bảng giá sữa Frisolac Gold 2 giá 454.000 đồng/hộp 900 g, cao hơn giá quy định đến 6.600 đồng.

Một số cửa hàng ở Gò Vấp, Tân Phú, quận 3… bán sữa Nan 1 loại 800 g vượt giá bán lẻ quy định đến 17.000 đồng.

Các cửa hàng bán vượt giá giải thích do các công ty sữa không giải quyết thỏa đáng lượng hàng tồn trước đây mà cửa hàng đã mua với giá cao. Thêm vào đó, công ty bán cho cửa hàng với giá bằng giá khuyến nghị tới NTD mà lại cắt hết các chương trình khuyến mãi, chi phí trưng bày… nên cửa hàng tự tính toán cân đối giá để không bị lỗ.

Ngoài ra, giới kinh doanh sữa còn tiết lộ một nguyên nhân nữa khiến các cửa hàng bán vượt giá là do cửa hàng vừa mua sản phẩm của công ty vừa mua hàng bên ngoài. Khi áp giá trần, các công ty chỉ giải quyết khoản chênh lệch cho những sản phẩm có hóa đơn. Còn các sản phẩm không phải từ công ty thì đại lý, cửa hàng vẫn bán giá cũ để đỡ lỗ.

Trong khi đó tất cả DN đều cho rằng họ đã làm đúng.

Đại diện Vinamilk cho biết công ty thực hiện đúng theo quy định của cơ quan chức năng trong việc kê khai đăng ký giá. Công ty đề nghị cửa hàng bán đến NTD theo giá khuyến nghị như quy định và mức giá này Vinamilk đã hỗ trợ cho cửa hàng chi phí trưng bày, hoa hồng… để cửa hàng không bị thiệt thòi.

Phía Nestle cho biết các công ty sữa chịu trách nhiệm về giá bán buôn. Khi quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ công ty sang các đại lý hoặc cửa hàng thì phía công ty không có quyền can thiệp vào giá bán nữa. Chỉ có Nhà nước mới có quyền ấn định giá.

Tương tự, Công ty Sữa Cô Gái Hà Lan cho rằng họ cũng chịu trách nhiệm giá bán xuống nhà phân phối chứ không can thiệp giá bán lẻ ngoài thị trường.

NTD chưa hưởng lợi nhiều

Hiện nay giá bán lẻ tối đa được xác định không cao quá 15% giá bán buôn và tùy sản phẩm, giá bán lẻ so với giá bán buôn tối đa chỉ chênh lệch 10% thì nhà phân phối đã cộng ít nhất 4%-9% vào giá khi bán cho cửa hàng. Do đó cửa hàng tự tính toán, bán ra cho NTD giá thấp hơn giá trần chỉ vài ngàn đồng. Chẳng hạn, sữa Friso Gold số 3 (của Cô Gái Hà Lan) loại 1,5 kg giá 600.000 đồng/hộp, thấp hơn giá khuyến nghị 3.000 đồng. Sữa Optimum số 3 loại 900 g (của Vinamilk) trước đây cửa hàng bán 350.000 đồng thì khi áp giá trần cửa hàng cũng bán ra với giá không đổi.

Hay Enfagrow A +3 Vanilla loại 1,8 kg (Mead Johnson), nếu còn trên thị trường thì sau khi áp giá trần, đáng lẽ NTD được mua với giá rẻ hơn đến 200.000 đồng/sản phẩm. Thế nhưng sản phẩm mới có mặt trên thị trường (cùng công thức với sản phẩm cũ), NTD chỉ mua rẻ hơn khoảng 60.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM, các cửa hàng bán lẻ căn cứ vào giá bán lẻ tối đa mà Sở tự xây dựng giá bán lẻ cho từng dòng sản phẩm nhưng không được vượt quá giá tối đa mà Sở công bố.

 

Áp giá trần chỉ mang lợi ích cho một phía


Trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng chỉ nghiên cứu 25 sản phẩm của các DN sữa. Phương pháp áp giá trần như Bộ Tài chính nêu dựa vào cách tính của một (hay vài) DN, dựa trên nguyên tắc phân bổ giá của một (hay vài) DN đó… Muốn kiểm soát tốt phải tính được chuẩn xác giá cho một đơn vị tính.

Ví dụ, nhóm sữa dành cho trẻ 1-3 tuổi loại căn bản có giá bao nhiêu cho 100 g sữa? Nhóm có các chất bổ sung tới mức độ nào thì được cộng thêm bao nhiêu phần trăm (giá tiền) là hợp lý?...

Để làm được điều này sẽ mất nhiều thời gian... Do cách tính không đủ bao quát, kiểm tra kiểm soát thị trường chưa đủ sâu sát, xử lý chưa tường minh… nên thực tế đã xảy ra những cách hiểu sai lệch, các cửa hàng bán giá cao hơn quy định. Và cửa hàng sẽ đổ lỗi cho DN. Thực tế cũng cho thấy giá cũ của một số sản phẩm cũ so với giá bán lẻ tối đa mới theo quy định không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Việc áp giá trần, trước mắt chỉ mang lợi ích cho một phía, quy định nặng tính hành chính. Vì vậy dù có kết quả trong ngắn hạn nhưng nếu thực thi không đủ nghiêm thì việc áp giá trần cũng cần xem xét lại vì sẽ mất hiệu quả về lâu dài.

Chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến


Sẽ xử lý vi phạm

Đoàn thanh tra Sở Tài chính TP.HCM vừa đi kiểm tra, phát hiện có vài cửa hàng bán cao hơn giá bán lẻ tối đa quy định. Cửa hàng vin vào lý do giá bán lẻ chưa vượt quá 15% so với giá bán sỉ tối đa. Do các cửa hàng chưa hiểu đúng quy định và mới triển khai thực hiện việc áp giá trần nên đoàn thanh tra đã yêu cầu các cửa hàng điều chỉnh để thực hiện đúng. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện cửa hàng, đại lý vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán quá giá… cơ quan chức năng sẽ xử phạt 5-10 triệu đồng tùy lỗi.

Ông NGUYỄN QUỐC CHIẾN, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP.HCM


Tăng cường rà soát giá sữa bán lẻ



Theo Tú Uyên

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên