MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi hơn 1 tỷ USD nhập sữa bột: Người dùng nhầm tưởng sữa tươi?

29-07-2015 - 15:28 PM |

Chi tới 23.000 tỷ đồng mỗi năm để nhập sữa, song người tiêu dùng vẫn chưa thể phân biệt được thế nào là sữa tươi tiệt trùng và sữa tiệt trùng do các quy định “nhập nhèm” hiện nay.

Tại phiên họp giám sát về “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng” do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 28/7, những bất cập trong khái niệm sữa tươi, sữa tiệt trùng được chỉ ra.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện chăn nuôi bò sữa trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nguồn tiêu dùng sữa trong nước.

Đánh tráo khái niệm?

Do đó, mỗi năm nước ta chi ra khoảng 1,098 tỷ USD để nhập sữa bột nguyên liệu. Đây phần lớn là sữa bột hoàn nguyên, dùng làm nguyên liệu để pha chế lại và được một số DN gọi là “sữa tiệt trùng”.

Tuy nhiên, ông Bùi Thượng Thắng, Phó Cục trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương khẳng định: “Hiện nay, tên gọi đối với sản phẩm sữa dạng lỏng đang dễ gây nhầm lẫn và rất khó phân biệt cho người tiêu dùng”.

Dẫn chứng, hiện đối với sản phẩm sữa nước, trên thị trường có các tên gọi như “sữa tiệt trùng” và “sữa tươi tiệt trùng”. Trong khi đó, trên bao bì sản phẩm không ghi rõ hàm lượng sữa tươi, sữa hoàn nguyên nên khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là sữa tươi thực sự.

Đáng chú ý là quy định hiện nay cũng không yêu cầu các nhà sản xuất phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của sản phẩm. Dẫn tới, người tiêu dùng không thể truy suất nguồn gốc và nhà sản xuất cũng lợi dụng quy định lỏng để “đánh tráo khái niệm”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng chỉ ra thực tế rằng, hiện người tiêu dùng đang hàng ngày “móc hầu bao” để mua sữa. Song điều đáng bán là người tiêu dùng không biết đâu là sữa bột hay sữa tươi, do chưa có quy định rõ rang.

Hiện Ủy ban Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) gọi sữa tiệt trùng là sữa hoàn nguyên, tức là sữa được làm từ sữa bột và sữa tươi. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại gọi là sữa tiệt trùng và được chia thành 7 khái niệm.

Người tiêu dùng cần thông tin minh bạch?

Ông Lê Văn Giang, Cục phó An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng thừa nhận, hiện quy chuẩn quốc tế chia làm 4 loại, song Quy chuẩn của Bộ Y tế chia ra 7 loại. Tuy nhiên, vị đại diện của Bộ Y tế khẳng định, các quy định hiện nay không có gì là khó hiểu, và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Song ở góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, lại cho rằng các quy định mang tính chuyên môn đã gây khó hiểu cho người tiêu dùng. Chưa kể, việc đưa ra tới 7 khái niệm càng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm.

“Tôi cho rằng ghi thông tin trên nhãn rất quan trọng, chứ không phải là khái niệm. Người tiêu dùng có quyền được thông tin về sản phẩm và trước khi lựa chọn phải có thông tin chính xác. Chính sách mình làm ra chứ ai, nên vì người dân thì nên sửa”, ông Hùng khuyến nghị.

Trong khi các chuyên gia và người tiêu dùng khẳng định các quy định hiện hành đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, thì cơ quan Nhà nước vẫn khẳng định là phù hợp quy định, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, cho rằng trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đang “có vấn đề”.

Đại biểu Khánh đặt câu hỏi: “Tại sao là cơ quan thay mặt cho Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước lại không nói rõ cho người tiêu dùng biết và lựa chọn; nhất là khi có Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Chỉ đến khi cử tri nói nhiều đến trách nhiệm về nguồn gốc sản phẩm sữa, về tương lai giống thì mới họp?”.

Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia cho rằng tới đây, cần thiết phải thay đổi quy định hiện hành để phân biệt rõ ràng sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên, truy suất nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng được thực hiện quyền cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác khi lựa chọn sản phẩm.

 

Sơn Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên