MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dấu hiệu nhận biết điện thoại cá nhân bị nghe lén

25-06-2014 - 09:05 AM |

Phổ biến và thậm chí "rất kích thích", những ứng phần mềm có mã độc để theo dõi, nghe lén có thể nhắm vào bất cứ loại smartphone nào nếu người dùng mất cảnh giác.

Tuy nhiên, vẫn có các dấu hiệu để phát hiện sớm những cái bẫy chết người này.

Để có cái nhìn sâu hơn về vụ việc 14.000 máy điện thoại bị cài phần mềm theo dõi và thậm chí bị lấy trộm ảnh nóng để tống tiền, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty BKAV - về cách phòng tránh những phần mềm độc hại trên điện thoại di động.

Ông đánh giá thế nào về vụ 14.000 máy điện thoại bị cài phần mềm theo dõi, nghe lén mới bị phát hiện?

- Vụ việc 14.000 điện thoại di động bị cài đặt phần mềm nghe lén trong thời gian vừa rồi là một hồi chuông cảnh báo cho người sử dụng về việc cần cảnh giác hơn khi sử dụng điện thoại di động. Hiện nay, điện thoại di động thông minh đã trở thành một vật dụng phổ biến, gắn liền với các hoạt động hàng ngày của nhiều người và chứa rất nhiều thông tin quan trọng. Vì thế, cần cảnh giác trong việc sử dụng để tránh trở thành nạn nhân của những sự vụ tương tự.

Trên thực tế, phần mềm sử dụng trong vụ việc này, Ptracker chỉ một trong những phần mềm gián điệp đang có rất nhiều trên thị trường, và chúng ta không khó để tìm ra một phần mềm tương tự và có tính năng theo dõi tương tự trên các kho ứng dụng trên Internet.

Là một chuyên gia về an ninh mạng, xin ông cho biết người dùng điện thoại di động cần phải làm gì để phòng, tránh, ngăn chặn việc bị xâm nhập theo dõi, nghe lén? 

- Để phòng tránh người sử dụng không nên cài đặt những phần mềm từ những kho ứng dụng có nguồn gốc không rõ ràng. Hầu hết các ứng dụng độc hại đều được phát tán trên các kho không chính thống nên người sử dụng không nên cài đặt từ các nguồn như vậy. 

Thứ 2 là không nên kết nối điện thoại với các máy tính mà chúng ta không biết chắc là máy tính đó có sạch vi rút hay không vì hiện nay cũng đã có những loại vi rút lây nhiễm từ máy tính sang điện thoại di động khi chúng ta có những kết nối giữa điện thoại và máy tính, chúng ta copy dữ liệu, hình ảnh, tài liệu rồi các file cá nhân, âm nhạc vào trong điện thoại của chúng ta.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng tất cả những biện pháp để phòng tránh đó có thể sẽ không phòng tránh được một cách toàn diện và đầy đủ bởi vì có những loại mã độc có thể được che giấu mà người dùng bình thường thì không thể phát hiện được ra và ở đây chúng ta cần phải sử dụng những phần mềm an ninh, phần mềm phòng chống vi rút trên điện thoại để mà chúng ta có thể phát hiện và phòng tránh kịp thời.

Vậy ông có thể cho biết dấu hiệu giúp người sử dụng điện thoại di động thông minh có thể phát hiện sớm việc bị theo dõi , nghe lén?

- Để phát hiện sớm việc điện thoại có thể bị nhiễm mã độc, thì có một số hiện tượng mà người sử dụng có thể lưu tâm. Ví dụ có thể thấy điện thoại chạy chậm hơn bình thường vì các phần mềm gián điệp nó sẽ chạy ngầm ở bên dưới và tiêu tốn tài nguyên và làm cho điện thoại chạy chậm. Hay là hiện tượng điện thoại không sử dụng nhưng máy lại nóng hơn so với bình thường. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy đang có những ứng dụng chạy ngầm có kết nối mạng mà chúng ta không hề hay biết.

Trong những trường hợp như vậy chúng ta cần kiểm tra lại bằng các phần mềm an ninh, phần mềm diệt vi rút để xem điện thoại của chúng ta có những mã độc được cài bất hợp pháp hay không.

Phần mềm theo dõi đó có thể tấn công những điện thoại chạy các hệ điều hành nào? Thông thường phần mềm đó được cài đặt như thế nào? 

- Hiện nay, trong vụ 14.000 điện thoại bị theo dõi, phần mềm sử dụng ở đó là phần mềm Ptracker, ứng dụng này được viết trên nền tảng Android. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật và trên thực tế các phần mềm có chức năng tương tự như chức năng này có thể xuất hiện ở tất cả các nền tảng khác nhau từ Android, iOs, cho đến Windows Phone. Việc cài đặt các ứng dụng này tương tự như các ứng dụng thông thường mà mọi người có thể dùng và cài đặt hàng ngày trên điện thoại của mình, thậm chí nó còn hấp dẫn hơn với người sử dụng. 

Tức là nó kích thích người sử dụng cài đặt bằng cách mạo danh, núp danh các phần mềm nổi tiếng, ví dụ như phần mềm games đang hot, hoặc những ứng dụng liên quan tới tra cứu tỷ số, thông tin bóng đá và cụ thể trong vụ 14.000 điện thoại vừa rồi, tội phạm mạng đã sử dụng hình thức cung cấp các ứng dụng xem ảnh, xem phim với nội dung không lành mạnh. Những thứ đó kích thích người sử dụng tải và cài đặt trên điện thoại của mình.

Hiện những kho ứng dụng đầy rẫy trên mạng và đó chính là những cái bẫy hấp dẫn bủa vây người dùng? Xin ông nói rõ về hệ luỵ của những cái bẫy này cũng như lời khuyên với người dùng điện thoại thông minh để phòng, tránh? 

-Trên các mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung, tội phạm mạng đang tích cực triển khai xu hướng phát tán các phần mềm độc hại để đánh cắp thông tin cũng như tiền của người dùng qua các phần mềm gián điệp đi kèm theo các phần mềm nổi tiếng, các phần mềm crack, các phần mềm xem nội dụng không lành mạnhh. Khi những phần mềm này được cài đặt trong điện thoại thì chúng tiến hành đánh cắp thông tin hay tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ để trừ tiền trong tài khoản của người sử dụng.

Với người sử dụng thì điều đầu tiên cần nâng cao cảnh giác trong việc cài đặt và sử dụng các phần mềm. Như tôi đã nói, hiện nay các phần mềm độc hại đó được lây truyền trên điện thoại di động chủ yếu thông qua các ứng dụng các phần mềm kích thích người sử dụng. 

Như vậy, cần cẩn trọng trong việc cài đặt, chỉ nên cài đặt những phần mềm đáng tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng và nên dùng các phần mềm an ninh phòng chống vi rút cho điện thoại di động, tương tự như chúng ta trang bị các giải pháp cho máy tính cá nhân của chúng ta.

Xin cám ơn ông!

Người thường rất khó phát hiện phần mềm nghe lén trên ĐTDĐ



Theo Khánh Hòa

khanhnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên