Đường nhập lậu sẽ làm hàng triệu nông dân điêu đứng
Niên vụ mía sắp tới, Hiệp hội Mía đường dự đoán giá mía thu mua sẽ xuống thấp. Nguyên nhân được cho rằng do đường nhập lậu và đường “tạm nhập tái xuất” không được kiểm soát làm lũng đoạn thị trường đường trong nước...
- 30-09-2013Trên 400.000 tấn đường tồn kho
Bộ Công Thương “làm
khó”
Ngày 29.9, VSSA tổ chức cuộc họp, bàn giải pháp tháo gỡ cho việc tiêu thụ đường
đang tồn kho cao. Thông tin từ VSSA, hiện đường nhập lậu đang chiếm đến 1/3 lượng
đường tiêu thụ trong nước, nên ngành mía đường gặp rất nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, niên vụ 2012 - 2013, trong nước sản xuất 1,53 triệu tấn đường, tồn
kho đầu vụ 178.000 tấn, nhập khẩu theo hạn ngạch là 70.000 tấn, tổng cộng nguồn
cung là 1,78 triệu tấn. Trong khi đó, lượng tiêu thụ khoảng 1,35 triệu tấn nên
cung vượt cầu là hơn 400.000 tấn.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch VSSA - cho biết, ngay từ đầu vụ, VSSA và Bộ
NNPTNT dự báo cung cầu với sản lượng tăng nên đã đề nghị Bộ Công Thương cho xuất
tiểu ngạch 300.000 tấn. Tuy nhiên, mãi đến tháng 3.2013, bộ này mới giải quyết
cho xuất dự kiến không quá 200.000 tấn đường thấp cấp RS, không cho xuất đường
RE.
Thời gian xuất được bó hẹp đến hết tháng 6.2013. Thế nhưng, đến hết khoảng thời
gian này, lượng xuất vẫn chưa đến 100.000 tấn. Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn
đến hết tháng 7 nhưng lượng xuất cũng chưa đến 124.000 tấn. VSSA tiếp tục có
văn bản cho xuất khẩu đến hết năm 2013, đồng thời cho xuất luôn đường tinh luyện
RE để giải quyết đường tồn nhưng đến nay vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi
nào.
Tại cuộc họp, nhiều đại diện các công ty đường đều bức xúc việc Bộ Công Thương
gây khó cho ngành mía đường khi dè dặt, chậm trễ trong việc đồng ý cho xuất đường,
thủ tục để được xuất cũng hết sức khó khăn. Trong khi đó, đường giá rẻ từ bên
ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam lại hết sức dễ dãi.
Ông Đỗ Thành Liêm - Tổng Giám đốc Cty CP đường Khánh Hoà, Phó Chủ tịch VSSA -
cho rằng, các quốc gia sản xuất đường đều có các rào cản nhập khẩu để bảo vệ sản
xuất trong nước, bảo vệ nông dân. Trong khi đó, Việt Nam dù thừa mứa đường,
nhưng quota nhập khẩu vẫn được cấp thoải mái.
“Giá đường thế giới rất rẻ, doanh nghiệp chỉ cần được nhập 20.000 tấn đường là
bỏ túi ít nhất 80 tỉ đồng tiền chênh lệch. Doanh nghiệp nào cũng phải “đua
maratong” mới được nhập. Thế nhưng, quota cấp cho ai, nhập bao nhiêu đều là những
con số “tuyệt mật”, không ai được biết. Bản thân VSSA cũng không được biết”.
“Thả nổi” cho đường lậu
Ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký VSSA - cho biết, nếu lượng đường nhập lậu nhập vào
Việt Nam (khoảng 400.000 tấn) không được kiểm soát, không chỉ 41 nhà máy đường
trong nước ngừng hoạt động, mà hàng triệu nông dân đang canh tác 300.000ha mía
cũng “chết”.
“Đầu vụ, cả nước tồn 178.000 tấn. Đến tháng 5.2013, lượng đường tồn kho trong
nước cao kỷ lục ở mức 580.000 tấn. Lượng tồn kho này chủ yếu do nạn đường lậu
và gian lận thương mại hoành hành. Thế nhưng, việc chống lại đường lậu nhiều
năm qua không hề có hiệu quả.” - ông Hải nói.
Ông Lê Văn Thanh - Tổng Giám đốc Cty CP mía đường Lam Sơn - bức xúc: “Tại sao
ma tuý được cất giấu tinh vi, thậm chí nuốt trong bụng vẫn bị phát hiện. Trong
khi đó, đường lậu nhập hàng trăm ngàn tấn, đi bằng tàu, bằng xe trên đường, dưới
sông lại không phát hiện được? Lượng đường lậu đang chiếm 1/3 thị thường tiêu
thụ trong nước, giá đường và mía sắp tới chắc chắn sẽ xuống. Nếu không chống được
đường lậu thì 41 nhà máy trong nước sẽ bỏ không, hàng chục ngàn công nhân và
hàng triệu nông dân trồng mía sẽ chuyển sang làm gì?”.
Ông Thanh cho rằng, việc chống buôn lậu phải được làm quyết liệt hơn. Đồng thời,
việc tạm nhập tái xuất đang được thả lỏng cũng cần phải siết chặt, phải được
công khai, minh bạch. Đồng tình với ý kiến này, ông Subbaiah - Tổng Giám đốc
Cty đường KCP Việt Nam - cho rằng, hiện lượng đường sản xuất trong nước đang dư
thừa, Bộ Công Thương có đủ lý do để không cấp quota nhập đường. Ngoài ra, cần
xem xét đến giải pháp bỏ 5% thuế VAT để đường nội “cạnh tranh” với đường nhập lậu.
Theo Hữu Danh – Đăng Hải