Giá đường nhảy múa
Giá đường trên thị trường đã tăng 2.000-2.500 đồng/kg so với tháng trước. Các doanh nghiệp cung cấp đường cho siêu thị đang “rên xiết” vì phải chịu lỗ nhưng không được tăng giá bán
- 22-05-2015Ngành mía đường có nguy cơ “vỡ trận”
- 19-05-2015Ngành mía đường: Đột phá để hội nhập
- 19-05-2015Gấp rút nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường
Ngày 27-5, chị Lê Hồng Ngọc (ngụ quận 8, TP HCM) ghé tiệm tạp hóa gần nhà để mua đường về nấu chè thì bị tính giá đến 18.000 đồng/kg (loại đường không thương hiệu). Chị Ngọc thắc mắc thì người bán nói: “Chắc cả tháng nay cô không mua đường nên không biết chứ giá tui lấy vào đã tăng 2.000 đồng/kg, làm sao bán giá cũ được!”.
Chợ tăng, siêu thị nhấp nhỏm
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh trung thu Thành Đô (huyện Bình Chánh, TP HCM), đang “lên ruột” khi chuẩn bị nguyên liệu cho mùa sản xuất tới bởi DN của ông vừa mua 10 tấn đường từ nhà phân phối với giá cao hơn năm ngoái đến 15%. “Giá đường đang nhảy múa nên nhà sản xuất chỉ dám mua khoảng 1/3 nhu cầu, số còn lại tùy giá thị trường mà chọn thời điểm mua” - ông Thắng cho biết.
Theo một đại lý gần KCN Tân Bình, TP HCM thì giá đường các loại đồng loạt tăng khoảng 2.000 đồng/kg ngay đầu tháng 5. Hiện giá bán sỉ (đơn hàng trên 1 tấn, nhận hàng tại kho) đường tinh luyện RE là 16.200 đồng/kg, đường kính trắng RS 15.500 đồng/kg (bao 50 kg), đường đóng túi 1 kg từ công ty 17.500 đồng/kg (thông thường, đường đóng túi 1 kg đắt hơn đường đóng bao 50 kg từ 1.500-2.000 đồng/kg).
Trong khi đó, đại diện các siêu thị Co.opmart, Maximark cho biết giá đường bán lẻ vẫn tương đương tháng 4. Tuy nhiên, khảo sát chiều 27-5 tại Maximark trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TP HCM) cho thấy giá bán đường xá loại Mimosa đang ở mức 19.500 đồng/kg. Ụ bán đường RS bình ổn đầy ắp nhưng trên kệ nhiều loại chỉ có bảng giá mà không có hàng.
Tại Lotte Mart, giá bán đường cao nhất là 22.000 đồng/kg, thấp nhất 17.900 đồng/kg và chưa tăng giá. Tuy nhiên, đại diện siêu thị này thừa nhận các nhà cung cấp đang “rên xiết” vì phải chịu lỗ khi giá đường ngoài thị trường tăng nhưng không điều chỉnh tăng được vì “bị áp giá trần”. Phía siêu thị cũng theo dõi đối thủ và tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nên không cho nhà cung cấp cơ hội tăng giá.
Đại diện Sở Tài chính TP HCM cho biết trước diễn biến của thị trường, mới đây, một số DN có động thái muốn điều chỉnh tăng giá bán đường bình ổn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý yêu cầu tiếp tục theo dõi thêm vì giá đường thế giới không hề tăng. Hiện đường bình ổn có 2 loại, đường RE giá bán 19.200 đồng/kg và đường RS giá bán 17.500 đồng/kg với 7 DN tham gia.
Tiêu thụ tăng, tồn kho giảm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 15-5, đã có 31/41 nhà máy đường kết thúc vụ sản xuất năm 2014-2015 với 1.390.560 tấn, giảm 187.570 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Từ ngày 15-4 đến 15-5, các nhà máy đã bán ra 193.510 tấn, nhiều hơn cùng kỳ đến 68.370 tấn nên lượng tồn kho đang còn 496.790 tấn, thấp hơn so với cùng kỳ 180.650 tấn.
Bộ NN-PTNT cũng ghi nhận giá đường kính trắng bán buôn (loại 1) tại nhà máy đã tăng 2.000-2.500 đồng/kg, lên mức 14.300-15.000 đồng/kg (đã có thuế GTGT) so với tháng trước. Nguyên nhân là do hàng tồn kho thấp, giá đường tăng nên các DN trung gian đẩy mạnh mua vào.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết đó là giá “đỉnh” cách đây ít lâu. “Hai ngày nay, giá đã hạ 500-700 đồng/kg, còn khoảng 14.000 đồng/kg (giá sỉ nhà máy). Riêng diễn biến giá thời gian tới thì chưa rõ xu hướng” - ông nói.
Lý giải nguyên nhân, ông Hải cho rằng đường tăng giá là do hàng lậu được kiểm soát một thời gian dài và năm nay người trồng mía mất mùa, dù chưa kết thúc vụ nhưng dự kiến hụt khoảng 200.000 tấn đường so với niên vụ 2013-2014 (1,6 triệu tấn). “Nguyên nhân chính là do yếu tố tâm lý. Khi giá đường tăng, các nhà thương mại đẩy mạnh mua vào dự trữ vì sợ giá tăng tiếp nhưng vài ngày qua, giá liên tục nhảy múa nên một số nhà đầu tư lo lắng. Diễn biến thị trường cũng rất khó lường khi giá tăng, buôn lậu đường lại tiếp tục và khi đó giá trong nước sẽ giảm” - ông Hải phân tích.
Tạm giữ hơn 2,6 tấn đường vô chủ
Chi cục QLTT TP HCM cho biết Đội QLTT 12B vừa phát hiện 2 vụ vận chuyển đường cát nhập lậu từ Thái Lan bằng xe buýt, tạm giữ 2.650 kg tang vật. Hai vụ này được phát hiện tại trạm dừng xe buýt trên đường Trường Chinh và Phan Văn Hớn nhưng không có ai đứng ra nhận là chủ hàng.