Giảm giá cước vận tải: Doanh nghiệp nói “có,” người dân nói “chưa”
Theo ghi nhận của phóng viên tại hai Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, đa số hành khách đều trả lời là giá cước vận tải trên những tuyến họ đi chưa giảm.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, đến thời điểm này, đã có một số doanh nghiệp thông báo giảm giá cước, trong đó tại Bến xe Giáp Bát có bảy doanh nghiệp, mức giảm dao động từ 4-10% (tương đương mức giảm từ 5.000-10.000 đồng tùy mỗi chặng).
Tại Bến xe Mỹ Đình, có bốn doanh nghiệp thông báo giảm giá cước, mức giảm dao động từ 4-9% (tương đương mức giảm từ 3.000-10.000 đồng).
Bến xe Gia Lâm có hai doanh nghiệp thông báo giảm giá cước với mức giảm từ 6-10% (tương đương từ 3.000-10.000 đồng).
Mặc dù việc thực hiện giá mới của đa số doanh nghiệp có thông báo đã trôi qua hơn 10 ngày (từ 15/11) nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại hai Bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình, đa số hành khách đều trả lời là giá cước vận tải trên những tuyến họ đi chưa giảm.
Tại Bến xe Mỹ Đình, ông Nguyễn Đình Thành (Việt Hồng, Thanh Hà, Hải Dương) cho biết ông vẫn phải mua vé giá 55.000 đồng để đi từ nhà tới Mỹ Đình như mấy ngày trước.
Hành khách Lê Đình Hào (75 tuổi, thành phố Việt Trì) khẳng định đến thời điểm này giá cước chưa giảm.
“Tháng nào tôi cũng đi vài ba lần tuyến Việt Trì-Mỹ Đình (Hà Nội) với giá vé 50.000 đồng, hôm nay tôi đi cũng với giá vé 50.000 đồng,” ông Hào cho hay.
Em Vũ Hoài Nam (18 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, quê Hà Nam ) cho biết: “Tuần trước em đi về quê với giá cước 30.000 đồng, hôm nay em đi giá cước vẫn 30.000 đồng.”
Còn theo em Hoàng Nhung (23 tuổi, quê Yên Bái), giá vé em mua để đi từ Văn Chấn, Yên Bái xuống Hà Nội vẫn là 100.000 đồng như trước đây.
Tại Bến xe Giáp Bát, phóng viên cũng ghi nhận những ý kiến tương tự của hành khách phản ánh là giá cước vận tải chưa hề giảm.
Theo em Nguyễn Hồng Hạnh (24 tuổi, quê Lạng Sơn), giá vé đi từ Lạng Sơn xuống Bến xe Giáp Bát vẫn không thay đổi ở mức 100.000 đồng như tuần trước nữa.
Em Phạm Văn Thắng (20 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết vé tuyến Vĩnh Lộc (Thanh Hóa)-Bến xe Giáp Bát vẫn là 90.000 đồng, không thay đổi so với tháng trước.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 10 lần liên tiếp, lần gần đây nhất vào ngày 22/11, giá xăng giảm kỷ lục tới 1.140 đồng/lít.
Ngày 25/11 vừa qua, Bộ Tài chính đã có thông tin về kết quả kiểm tra, nắm tình hình kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp với diễn biến của giá nhiên liệu tại một số địa phương. Theo đó, tại Hà Nội, ngày 14/11, Đoàn công tác gồm đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Sở Tài chính, Sở Giao Thông Vận tải Thành phố Hà Nội đã kiểm tra tình hình thực hiện kê khai giá cước vận tải bằng ôtô trên địa bàn.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 2-10%, kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá trung bình từ 5,8-10% và vận tải hàng hóa kê khai giảm giá 3,4-3,9%.
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Sở Tài chính Thành phố, trước tình hình giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, Sở Tài chính đã có hai công văn gửi Hiệp hội Taxi Thành phố, các bến xe và các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hoá trên địa bàn Thành phố đề nghị các đơn vị giảm giá cước vận tải và thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải hành khách, hàng hoá bằng xe ôtô nhằm thực hiện bình ổn giá, kiểm soát lạm phát.
Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra (17/11), nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi đã kê khai giảm giá cước từ 2,7-9% (tùy cự ly vận chuyển), vận tải hành khách tuyến cố định đã kê khai giảm giá cước với tỷ lệ giảm giá từ 2-11,33%./.
Theo Quang Toàn