MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loạn thông tin, giá sữa vẫn cao chót vót

30-11-2013 - 14:05 PM |

Mặt hàng sữa chính thức nằm trong danh mục hàng bình ổn giá nhưng thị trường vẫn không có bất kỳ sự thay đổi nào, giá vẫn cao chót vót "như chưa hề có cuộc bình ổn".

Các cửa hàng mỗi nơi nói một kiểu, tung hỏa mù khách hàng.

Thị trường sữa cuối năm: chưa, nhưng "sẽ" tăng?

Ngày 28/11, dạo một vòng quanh thị trường sữa ở Hà Nội tại các con phố có nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này như Tây Sơn, Hàng Buồm, Trường Chinh, chúng tôi có chung một cảm nhận đó là dường như quy định về bình ổn giá vẫn chỉ là lời nói chứ chưa thực sự có một biến chuyển nào. Giá sữa vẫn được các cửa hàng niêm yết cao gấp 5, gấp 7 lần giá nhập khẩu theo số liệu từ Hải quan.

Cụ thể, Ensure loại 900g có giá bán 645.000 đồng/hộp; loại 400g có giá 299.000 đồng/hộp. Sữa Pediasure 900g có giá 563.000 đồng/hộp, loại 400g có giá 265.000 đồng/hộp. Sữa Enfa hộp 900g số 1 bán với giá 468.000 đồng/hộp, số 2 có giá 467.000 đồng/hộp; số 3 là 428.000 đồng/hộp và số 4 là 356.000 đồng/hộp. 

Nan Pro 1 loại 800g có giá bán 418.000 đồng/hộp; Nan Pro 3 có giá 412.000 đồng/ hộp. Gain plus số 3 của Abbott có giá bán là 474.000 đồng/hộp; Gain kid số 4 có giá bán 420.000 đồng/hộp; sữa bột Frisolac nhập khẩu nguyên liệu 100% của Pháp có giá bán từ 435.000 - 450.000 đồng/hộp…

Trước thắc mắc của chúng tôi về việc tại sao giá sữa luôn cao, một người bán hàng trên phố Trương Định cho biết cửa hàng vừa nhận được thông báo của Abbott là sẽ tăng giá kể từ tháng 12/2013 tới, với mức tăng 3% tất cả sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung… Như vậy, với mỗi hộp sữa loại 900g trở lên, giá sẽ tăng 15.000 - 30.000 đồng, tùy loại. 

Hiện, Abbott là thương hiệu đang chiếm thị phần khá lớn trong các hãng sữa nhập khẩu và có giá một số sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt khá cao, như Pediasure: 570.000 đồng/hộp 900g và 980.000 đồng/hộp 1.700g, Ensure: 660.000 đồng/hộp 900g… Ngoài ra, người này còn cho biết, không chỉ Abbott, anh còn nghe thông tin một số sản phẩm sữa, như của Enfa, cũng chuẩn bị tăng giá, thậm chí tăng mạnh

Thế nhưng mang nỗi lo lắng về việc sữa sắp tăng giá đến phố Tây Sơn, chủ đại lý sữa lớn đầu phố lại "cẩn thận" cho biết, những năm trước, sữa thường tăng giá thành đợt vào đầu năm và cuối năm. Nhưng năm nay, đến giờ vẫn chưa thấy có thông báo nào về việc tăng giá. 

"Nhưng cũng chưa nói trước được, vì thông thường, nhà phân phối thường có thông báo giá bán mới đến các đại lý lớn trước thời điểm tăng từ 7 đến 10 ngày, nên điều này chỉ có giá trị trong vòng thời gian đó, còn sau 1 tuần nữa, giá có tăng hay không thì tôi cũng không chắc", người này "ghi chú" thêm. 

Trong khi đó, tại hệ thống Bobomart Nguyễn Trãi, nhân viên bán hàng cho hay, hiện nay, các chương trình khuyến mãi sữa vẫn diễn ra rầm rộ, đặc biệt là với sữa nội. Nếu vừa tăng giá bán thì thông thường, khuyến mãi sẽ ít hơn. Các hãng sữa ngoại cũng chưa gửi thông báo giá mới.

Bình ổn giá theo cách nào?

Trước các thông tin trái chiều này, rốt cuộc, chúng tôi cũng không chắc giá sữa có sắp tăng hay chỉ là chiêu hù dọa khách để bán hàng của các cửa hàng. Tuy nhiên, điều nhìn thấy nhãn tiền đó là thị trường sữa hầu như không có biến động gì, dù trước khi bình ổn giá 1 tháng, Bộ Tài chính đã công khai tên 6 doanh nghiệp phải báo cáo và giải trình đầy đủ các yếu tố tăng, giảm giá với những mặt hàng đã điều chỉnh trong thời gian vừa qua (từ 1/1/2013). 

Việc kê khai và báo cáo của những doanh nghiệp này phải gửi về Cục Quản lý, Bộ Tài chính trước ngày 25/11. Và cũng theo đại diện Bộ Tài chính, nếu doanh nghiệp nào tăng giá không hợp lý sẽ bị xử lý.

Như vậy, đến thời điểm này, có lẽ ai đúng ai sai, ai tăng giá hợp lý thì ngành Giá chắc cũng đã nắm được. Việc không có động thái nào với thị trường chỉ có thể giải thích hoặc là doanh nghiệp tăng giá thời gian qua là hợp lý, hoặc cơ quan chức năng sẽ chỉ "bình ổn giá" từ nay về sau theo kiểu "ngắt ngọn", còn câu chuyện xảy ra trước đó đành chấp nhận theo kiểu "sự đã rồi" (?!)

Bình luận về thị trường sữa, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng theo Thông tư 104/2008 của Bộ Tài chính quy định trong vòng 15 ngày liên tục, sữa không được tăng giá 20%. Vì thế, các doanh nghiệp thường để sau khoảng thời gian này mới tăng giá. Vì vậy mà liên tục nhiều năm, giá sữa tăng vài lần mỗi năm nhưng các cơ quan quản lý không thể kiểm soát được, vì doanh nghiệp vẫn tuân thủ đúng quy định của Pháp lệnh Giá.

Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì lại nhận định việc cơ quan đứng đầu về kiểm soát giá là Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá chỉ là một phần, vấn đề là vai trò giám sát, quản lý của cơ quan kiểm soát giá chưa được làm tròn. Bởi vậy, phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, xem hóa đơn chứng từ, so sánh giá các nước..., khắc phục hiện tượng doanh nghiệp khai báo chi phí một chiều, không được kiểm soát hoặc kiểm soát lỏng lẻo. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng có một kẽ hở khiến giá sữa tăng không ngừng là chính sách thuế. Chính sách thuế đang tạo điều kiện cho DN lách được kẽ hở để bán hàng giá cao nhưng nộp thuế lại thấp, như vậy vừa không có lợi cho người tiêu dùng vừa không có lợi cho ngân sách nhà nước.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính cho biết: Về đề xuất cho rằng nên có phương pháp đối chiếu giá nguyên liệu nhập khẩu đối với các nước lân cận, đây là điều mong muốn của cơ quan quản lý từ lâu, nhưng không dễ làm. Muốn đối chiếu giá cũng phải có độ tương thích, vì mỗi quốc gia có một dòng sữa khác nhau, hàm lượng, giá, thuế tại các công ty mẹ là rất khó.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng khẳng định thông tin dinh dưỡng các dòng sữa cũng khác nhau, đặc biệt là thị hiếu khách hàng mỗi quốc gia cũng khác nhau. Cái khó nữa là mỗi quốc gia lại có cách tiếp cận, gọi sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, để khai thác các dữ liệu về chất hãng sữa mua 1 bán 5-6 thậm chí 8-9 là chưa chính xác. 

Số liệu Tổng cục Hải quan cung cấp chưa đầy đủ, vì đó chỉ mới là giá CIF, chưa có thuế và chưa có các chi phí khác. Giá đó là giá khai với hải quan, còn từ Hải quan tới kho, rồi tới tay khách hàng chưa được tính vào. Chẳng hạn: Thuế nhập khẩu là 15%, thuế VAT là 10%, lãi vay... những chi phí này doanh nghiệp không thể tự bỏ ra mà họ phải tính vào giá.

Theo Huyền Thanh

khanhnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên