MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người tiêu dùng hoang mang vì thực phẩm bẩn, sữa nhiễm khuẩn

07-08-2013 - 06:04 AM |

Bún chứa tinopal, màng bọc chứa phụ gia gây vô sinh, trái cây ngâm thuốc, rau xanh phun hóa chất, sữa nhiễm khuẩn độc đang là những vấn đề nóng liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua.

Khi các thông tin về thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất liên tục được công bố trên các phương tiện truyền thông đã gây nên tình trạng hoang mang cho người tiêu dùng đồng thời cũng đặt các cơ sở chế biến thực phẩm có uy tín vào nguy cơ khó khăn.

Tại TP.HCM, lượng bún bán ra giảm mạnh. Mặc dù tại một số gian hàng đã niêm yết bản sao kết quả kiểm tra mẫu bún, song điều này cũng không thể làm người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm.

Ngày 2/8, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2013 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã đưa ra thông tin đánh giá các loại rau ăn lá có nguy cơ nhiễm độc cao, đặc biệt là rau được trồng tại các tỉnh miền Bắc.

Có thể thấy tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước đang ở mức báo động. Thêm vào đó, mới đây, khi kênh truyền hình trung ương Trung Quốc công bố 15/16 loại màng bọc bảo quản thực phẩm PVC có chất dẻo cấm sử dụng DEHA - chất phá hỏng hệ sinh dục và hệ nội tiết, ngay lập tức Bộ Y tế đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc khẩn trương kiểm nghiệm sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại TP.HCM và Hà Nội, tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Màng bọc PVC hiện nay được sử dụng bảo quản thực phẩm khá rộng rãi bởi tính tiện dụng. Tuy một số loại màng bọc có sử dụng phụ gia được phép là DEHP thì vẫn có khả năng thôi nhiễm ra thực phẩm nếu sử dụng bọc các loại thực phẩm có độ chua, có tính kiềm, ở nhiệt độ cao. 

Liên quan tới vụ việc New Zealand thông báo trên toàn cầu thu hồi sản phẩm sữa của công ty Fonterra, tại Việt Nam có ba nhãn hiệu sữa ngoại nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum và được Cục an toàn vệ sinh thực phẩm ra thông báo thu hồi là Karicare Formula số 1Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 của Công ty Nutricia, Similac GainPlus Eye-Q  của Công ty Abbott, và Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi của Công ty Danone Dumex.

Khi thông tin vừa được đưa ra đã là dấy lên nỗi lo sợ cho người tiêu dùng, đặc biệt là khi có nhiều bà mẹ đã cho con mình sử dụng đúng hộp có số lô bị cảnh báo.

Khảo sát tại một số cửa hàng, đại lý bán sữa bột trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, chỉ riêng hai ngày qua, số lượng sữa bột của các nhãn hàng này được bán ra đã giảm một cách đáng kể đồng thời chỉ có chương trình đổi sản phẩm hoặc hoàn lại tiền chứ chưa thấy có một chương trình cụ thể nào của các hãng sữa hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra cho con em mình.

Trong khi các hãng sữa ngoại đối mặt với rủi ro này thì các doanh nghiệp sữa trong nước đã nhanh chóng kiểm tra nguồn nguyên liệu nhập khẩu để trấn an người tiêu dùng. Hiện Vinamilk, Nutifood sau khi kiểm tra đã khẳng định các hãng này không sử dụng nguyên liệu whey protein concentrate của công ty Fonterra New Zealand cho bất kỳ sản phẩm sữa nào.

Khánh Nguyễn

khanhnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên