Sữa vẫn… "đắng"?
Là thị trường cạnh tranh song người tiêu dùng các sản phẩm sữa vẫn chưa thực sự được hưởng lợi ích từ thị trường.
Theo các chuyên gia, những bất cập trong cơ chế quản lý đang tạo nên những kẽ hở khiến cho các vi phạm trên thị trường sữa đang ngày càng gia tăng.
Dù đã áp giá trần, giá nguyên liệu đầu vào giảm nhưng hiện nay, giá sữa bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ thường cao hơn khá nhiều so với giá bán lẻ tại siêu thị và cửa hàng tiện ích, đại lý. Cộng thêm tình trạng buôn bán sữa nhập lậu, quá hạn sử dụng… khiến khách hàng chưa được hưởng lợi từ thị trường sữa được đánh giá là cạnh tranh.
Lớn sai lớn, nhỏ sai cũng lớn
Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), hiện các sản phẩm sữa được phân phối bởi một hệ thống khá phân tán, phức tạp, thiếu sự tổ chức và quản lý tốt về giá cả và chất lượng, nên những thông tin "nhiễu loạn" trên thị trường sữa xuất hiện ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tiêu dùng.
Với hàng loạt các sai phạm được phát hiện từ các hãng sữa như Nestle, Abbott, Mead Johnson Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, chiếm đến 90% thị phần, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1079 quy định về giá bán buôn tối đa cho 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Song theo một điều tra của Vinastas về giá sữa bán lẻ tại 11 tỉnh thành trên cả nước đối với 25 mặt hàng đã áp giá trần, vẫn có DN chưa tuân thủ về giá khi có những sản phẩm có giá bán lẻ cao hơn quy định như Enfagrow A+3 và Enfamilk A+1.
Còn theo bà Phạm Thị Vĩnh Hà, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm, số vụ vi phạm liên quan đến sữa và các sản phẩm sữa ở mức cao. Đã có 35.482 đơn vị sản phẩm các loại bị cơ quan thị trường tạm giữ, với vi phạm chủ yếu là hàng nhập lậu, nhãn hàng hoá và quá hạn sử dụng.
Vụ việc điển hình đáng chú ý nhất là phát hiện Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu quốc tế Trường Lộc (Quảng Ninh) đã thực hiện việc tẩy xoá hạn sử dụng của nhà sản xuất, in lại hạn sử dụng của sản phẩm sữa nhãn hiệu Hero Baby. Tại thời điểm thu giữ, đã có đến 6.852 hộp sữa được DN này tẩy xoá, sửa nhãn mác để đưa vào thị trường tiêu thụ.
Không chỉ các DN lớn sai phạm, theo kết quả điều tra giá sữa bán lẻ mà Vinastas thực hiện tại 11 tỉnh thành, giá bán lẻ tại cửa hàng nhỏ lẻ trong ngõ xóm thường cao hơn giá bán lẻ tại siêu thị và cửa hàng tiện ích, đại lý khá nhiều. Đối với sản phẩm Imp Frizolac Gold 1 (Mead johnson Nutrition Việt Nam) loại 400g giá trần là 196.000 đồng/hộp thì giá bán tại cửa hàng nhỏ lẻ trong ngõ xóm là 221.983 đồng/hộp.
Luật lỏng, DN lách
"Tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm kéo dài gây bức xúc dư luận. Cũng bởi, hiện có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn chung vẫn còn chồng chéo, không phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành và còn thiếu sót, chưa phủ hết các lĩnh vực, nên đã có khoảng trống giữa các khâu trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý với một số loại sản phẩm.
Đáng chú ý, có những trường hợp các cơ sở thực hiện không ghi đúng tên sản phẩm trên hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, song các nhãn sản phẩm này lại được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm và xác nhận cho phép sử dụng. Vì vậy, mặc dù phát hiện sai phạm nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể xử lý được", bà Hà cho biết.
Với nhiều sản phẩm đa dạng trên thị trường, hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng và giá sữa ngày càng gặp khó khăn khi cơ chế, chính sách quản lý còn "vênh" với thực tiễn. Nhìn nhận khá thẳng thắn về điều này, bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Giám đốc Văn phòng Uỷ Ban Codex Việt Nam (Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế), cho biết mặc dù trên thị trường có rất nhiều chủng loại, dòng sản phẩm, song hiện Bộ Y tế mới chỉ ban hành được 5 quy chuẩn, gồm quy chuẩn quốc gia sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, sữa lên men, sữa công thức dành cho trẻ từ 0 – 12 tháng tuổi và dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 6 – 36 tháng tuổi.
Do đó, bà Hà cho rằng với 5 quy chuẩn trên chưa "đủ" để quản lý và kiểm soát thị trường, khiến cho các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, khi có những DN đã "lách luật" để hạn chế sự kiểm soát của Nhà nước về chất lượng và giá cả các sản phẩm sữa.
Mới đây nhất, Vinastas nhận được không ít các khiếu nại về sản phẩm sữa, như trường hợp sản phẩm Mama sữa non (Công ty CP G&P Hà Nội) là thực phẩm bổ sung nhưng công ty lại quảng cáo là sữa. Khi NTD phát hiện và tố giác, DN này vẫn tìm cách chối, cơ quan quản lí vào cuộc thì họ mới thừa nhận và chịu đền bù cho NTD.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc sớm rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan để có cơ sở pháp lý kiểm tra, xử lý vi phạm, cần tăng cường chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các mặt hàng không tuân thủ theo giá bán đã đăng ký. Đặc biệt, cần tập trung việc thanh kiểm tra và ngăn chặn các mặt hàng không tuân thủ giá bán như đã đăng ký, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhằm thực hiện tốt công tác bình ổn giá và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.
Các đại gia đổ xô đi nuôi bò: Thị trường sữa có bão hòa?
Theo Nguyễn Sơn – Lê Thúy