MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạo "thế giới phẳng" để hàng Tàu đè hàng Việt

19-05-2013 - 16:57 PM |

Từ nhập tiểu ngạch hay chính ngạch; từ hàng thực phẩm, gia dụng hay vật tư, nguyên phụ liệu… hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả khi hàng rào kỹ thuật của Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo. Sự thiếu hụt các rào cản kỹ thuật đã tạo cơ hội “thế giới phẳng” để hàng Trung Quốc gấy sức ép lên hàng hóa Việt Nam.

Mất cân đối trong chính ngạch

Trong kim ngạch nhập khẩu gần 40,2 tỷ USD 4 tháng đầu năm 2013, với thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất là Trung Quốc, ước tính 4 tháng, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc gần 10 tỷ USD, nhưng xuất khẩu vào Trung Quốc ước đạt 3,9 tỷ USD, ước số nhập siêu 4 tháng khoảng 6 tỷ USD.

Ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), cho rằng nguyên nhân là phần lớn hàng nhập khẩu của Việt Nam là vật tư đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nguyên phụ liệu cho gia công xuất khẩu và nhà thầu của các dự án lớn tại Việt Nam là Trung Quốc. Trong khi đó, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu lại là tài nguyên như dầu thô, than đá phải giảm do tăng tiêu dùng, chủ trương hạn chế xuất khẩu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành bày tỏ sự lo lắng trong một diễn đàn gần đây: “Lượng hàng trung gian nhập khẩu quá lớn phản ánh nền kinh tế Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, đang phải bươn chải, sống sót phụ thuộc lớn vào việc nhập hàng Trung Quốc. Tới một thời điểm nào đó chỉ cần Trung Quốc cho ngừng xuất khẩu là hàng loạt DN hấp hối vì không ứng phó kịp với tình huống trên. Khả năng cạnh tranh, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, rất yếu cũng cho thấy chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cả hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng”.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc chống đỡ trước sự đổ bộ của hàng Trung quốc trước mắt cần đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ ở trong nước. Có thể tập trung tạo điều kiện để thu hút được nhiều Tập đoàn đa quốc gia mở cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu; có chính sách quản lý nhập khẩu qua đường biên mậu tốt hơn để dịch chuyển từ nhập khẩu biên mậu sang chính ngạch, đảm bảo yêu cầu ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng sau khi thuế bị dỡ bỏ trong các cam kết FTA, vấn đề còn lại sẽ là các điều tiết sau đường biên giới về cạnh tranh, cấp phép, dịch vụ, thương mại mà chúng ta cần phải chú ý. Tuy nhiên, với lợi thế khoảng cách về mặt địa lý trong vận chuyển, hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ và mẫu mã phù hợp, trong khi công nghiệp hỗ trợ trong nước còn kém phát triển, việc Việt Nam giảm nhập siêu từ Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết ngay.

Thua hoàn toàn trên tiểu ngạch

Thông thường mỗi ngày mở các trang thông tin điện tử hay báo chí đều nhận được một thông tin mới về hàng hóa kém chất lượng có xuất xứ từ Trung quốc. Hầu hết các mặt hàng này đều thông qua con đường tiểu ngạch và nhập lậu. Thậm chí nhiều sản phẩm vẫn được “đội lốt” hàng Việt thâm nhập thị trường trước sự cảnh giác của người tiêu dùng. Đáng sợ hơn hầu hết các sản phẩm nông sản, thủy sản của Trung Quốc đều gặp phải vấn đề về lưu lượng chất độc hại nó mang theo.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, nêu ra để cảnh báo, hàng hóa ruột Trung Quốc, nhãn mác Việt Nam bây giờ đã không còn là hiện tượng bột phát, nhỏ lẻ, nhập theo đường tiểu ngạch mà đang là một trào lưu. Dạng hàng hóa ngụy trang này đang khiến thị trường nội địa gặp khó khăn.

Những năm qua, người tiêu dùng VN đã “phớt lờ” hàng loạt “vết đen” của hàng Trung Quốc nhưng hiện tại khi vừa ý thức được những nguy hại thì hàng đã tạo nên một cắm rễ khá sâu tại thị trường. Tuy vậy, trước sự “bao vây” của hàng Trung Quốc với giá rẻ và mẫu mã đa dạng, đồng thời chất lượng lại rất “lờ mờ”, thì việc xử lý lại chưa thật rốt ráo.

Một lãnh đạo quản lý thị trường ở TPHCM từng than thở: “Tại sao không thắt chặt phần gốc ở các cửa khẩu, giờ để tràn lan như thế này thử hỏi làm sao chúng tôi có thể chống chọi khi hàng nhập lậu từ đầu nguồn liên tục đổ về ào ạt”.

Hàng nông, thuỷ sản Trung Quốc vào Việt Nam phần lớn là không phép, chủ yếu được nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Việc cần làm là tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch tổng thể (tầm quốc gia) để phối hợp tốt hơn trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu qua biên giới.

Trước thực trạng nông sản, thủy sản Trung Quốc đang phủ sóng khắp chợ Việt Nam, đại diện lãnh đạo bộ NN&PTNT cho biết việc nhập lậu các mặt hàng Trung Quốc với số lượng lớn chắc chắn ảnh hưởng sản xuất trong nước. Hàng lậu đi bằng đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới nên rất khó kiểm tra, kiểm soát. Thời gian qua những mặt hàng như cá tầm, ốc, ếch... về nhiều hầu hết do nhập lậu nên trách nhiệm chính là của Bộ Công Thương.

Trong khi đó một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phân trần: “Lực lượng của các cơ quan Trung Ương hiện đang rất mỏng để có thể xử lý triệt để vấn đề này. Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Các chợ đầu mối phải làm sao kiểm soát được nguồn gốc hàng hoá. Các hộ buôn bán phải có cam kết cụ thể với lực lượng y tế, thú y địa phương... về nguồn gốc hàng hoá như mua của ai, chủ hàng tên gì, ở đâu, có hóa đơn chứng từ không...”.

 Theo Nam Phong

khanhnt

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên