MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thả nổi việc sản xuất, kinh doanh rượu quốc lủi

06-05-2013 - 11:22 AM |

Rượu không nguồn gốc, nhãn mác bán tràn lan, song dường như chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa kiên quyết vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Chưa đầy một tháng, chỉ riêng xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã có đến 9 người tử vong và 5 người nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Tình trạng ngộ độc dẫn đến tử vong do uống rượu không rõ nguồn gốc, pha trộn từ hóa chất, cồn công nghiệp với nồng độ cao gấp cả nghìn lần ở nhiều địa phương rất đáng báo động. Trong khi đó, các cơ quan chức năng gần như thả nổi việc kiểm tra, xử lý các lò sản xuất rượu thủ công cũng như việc kinh doanh mặt hàng này.  

1/4 số bệnh nhân ngộ độc là do rượu

Tình trạng bị ngộ độc rượu dẫn đến tử vong tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận những ngày qua đang gây hoang mang cho người dân. Bởi chỉ tính riêng từ 27.4 đến 2.5, tại xã đã có đến 5 người chết do ngộ độc rượu, trước đó rải rác trong tháng 4 xã cũng có thêm 4 người tử vong do ngộ độc rượu. Không riêng tại Ninh Thuận, tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến tử vong hoặc để lại các biến chứng mù mắt, rối loạn ý thức diễn ra ở khắp tỉnh, thành trong cả nước.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, ngộ độc do rượu luôn chiếm khoảng 25 – 30% số vụ ngộ độc. Chẳng hạn năm 2012, cả nước đã có gần 170 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 5.400 người mắc, trong đó có 33 người tử vong, số người tử do ngộ độc rượu chiếm tới 26%. Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) thường tiếp nhận những ca ngộ độc rượu, có nhiều trường hợp biến chứng hôn mê sâu hoặc tử vong. 

Cao điểm thường là các dịp lễ tết, ngộ độc nặng do rượu chiếm đến 25% các trường hợp bệnh nặng đang điều trị. Trong khi đó, thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho thấy, TPHCM là một trong hai địa phương trên cả nước ghi nhận nhiều vụ ngộ độc rượu nhất nước, mỗi địa phương chiếm 15,2% số vụ... Tại BV Tâm thần TPHCM, BS Vũ Đình Vương - Trưởng khoa Nội trú - cho biết, bệnh nhân tâm thần do rượu thường chiếm 7-10% số giường bệnh theo thống kê mỗi tháng. 

Còn tại ĐBSCL nổi tiếng với loại “rượu đế”, được sản xuất thủ công và không được quản lý chặt chẽ về chất lượng. Vì vậy, tình trạng ngộ độc rượu gần như chuyện thường ngày ở vùng này. Trung bình, mỗi năm tại các tỉnh ĐBSCL có đến hàng trăm vụ ngộ độc rượu, trong đó nhiều người không được cứu chữa kịp thời dẫn đến tử vong. Chẳng hạn, Đồng Tháp, năm 2009 chỉ 2 ngày đã xảy ra 5 ca tử vong do ngộ độc rượu tại thị xã Sa Đéc. Cả 5 trường hợp tử vong đều cùng mua rượu tại quán ở ngay thị xã.

Rượu không nguồn gốc vẫn nấu và bán công khai

Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, quy định từ 1.1.2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với địa phương... 

Thực tế tại các địa phương, hầu hết các lò rượu thủ công đều không quan tâm đến những quy định về giấy phép sản xuất cũng như dán nhãn mác... Đến làng rượu Đại Lâm (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) - nơi mệnh danh là “thủ phủ” của rượu kém chất lượng (Báo Lao Động từng có loạt bài phản ánh) - người dân pha chế cồn với nước lã thành rượu vẫn diễn ra công khai. 

Từng chuyến xe cứ nườm nượp chở hàng ra thị trường, trong khi đó, trên rượu không hề được kiểm định, dán nhãn. Sự công khai ở đây đến mức, chính lãnh đạo xã Tam Đa cũng tỏ ra bất lực vì... cả làng cùng làm rượu. Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra con số thống kê về các cơ sở sản xuất rượu hiện nay. Không chỉ người dân, mà ngay cả ông Phạm Ngọc Liệu - Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - hiện vẫn chưa biết đến Nghị định 94. 

Đến bất cứ xóm ấp nào ở ĐBSCL cũng thấy các quán hàng bình dân bày bán tràn lan rượu không rõ nguồn gốc, từ rượu trắng, rượu thuốc được bán theo lít đến các loại rượu đóng chai nhựa không nhãn mác... Chủ lò rượu Hai Khương ở ấp Phú Khương B (huyện Chợ Gạo, Tiềng Giang) cho biết, rượu ở đây nấu được các quán nhậu ở TPHCM đặt hàng, mỗi lần họ xuống chở 50 lít. Hiện chủ lò chỉ nấu theo thói quen, chứ không có đăng ký hay kiểm định chất lượng.

Đáng ngại hơn là hiện nay, khi chất lượng rượu nấu chưa được kiểm định, thì “mốt” người dân chuộng các loại rượu thuốc (rượu ngâm kèm với các chất khác) lại càng phổ biến ở cả các Hà Nội, TPHCM, ĐBSCL... Theo khuyến cáo của các bác sĩ,  chính một số loại thảo dược, hoa quả, tắc kè, rắn khi ngâm vào rượu sẽ tạo ra độc tố nếu như không biết chế biến.

Rượu không nguồn gốc, nhãn mác bán tràn lan, song dường như chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa kiên quyết vào cuộc kiểm tra, xử lý.     

Lượng cồn trong rượu vượt quá 1.700 lần mức cho phép. 
Liên quan vụ ngộ độc rượu ngày 2.5 tại Ninh Thuận, làm 1 người chết, 3 người nhập viện, Viện Pasteur Nha Trang vừa công bố kết quả xét nghiệm mẫu rượu được lấy từ các quán bán tạp hóa tại thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh mà các nạn nhân mua về uống bị ngộ độc. Theo đó, có 3/5 mẫu rượu có chứa hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) vượt từ 1.261 – 1.700 lần so với quy định cho phép.

Theo PGS-TS Phạm Duệ - GĐ Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai: 
Ngộ độc rượu không đơn giản như nhiều người nghĩ giải rượu rồi sẽ tỉnh, chất kích thích này để lại nhiều di chứng đối với sức khỏe, thậm chí còn nguy kịch đến tính mạng;  nguy hiểm hơn, thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol - một chất cồn công nghiệp. Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người như đã từng xảy ra ở ĐBSCL và miền Trung - Tây Nguyên. 

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM: 
Theo quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công kinh doanh phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất. Hồ sơ phải kèm bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận mã số thuế, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP... Nếu chiếu theo quy định thì theo bà Mai, sẽ không có cơ sở nấu rượu thủ công nhỏ lẻ nào thực hiện được, vì muốn cấp phép sản xuất thì phải có đầy đủ giấy tờ trên. “Các hộ nấu rượu thủ công làm gì có các loại giấy này. Quy định như vậy là không khả thi, không phù hợp để triển khai thực hiện” - bà Mai khẳng định.

Theo nhóm phóng viên

khanhnt

Báo lao động

Trở lên trên