MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước ngày 21/11/2015, hành khách đi tàu chỉ cần in vé điện tử lên giấy

22-12-2014 - 18:39 PM |

Với mô hình vé điện tử hoàn thiện, hành khách không phải ra ga mua vé mà có thể in vé trên giấy A4 với công nghệ bảo mật mã 2 chiều tích hợp

Từ ngày 21/11/2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đưa hệ thống bán vé điện tử vào hoạt động. Theo số liệu thống kê của CTCP FPT – đơn vị được VNR thuê để xây dựng hệ thống website bán vé tàu Tết, trong dịp cao điểm bắt đầu mở bán vé tàu Tết (ngày 01/12/2014), thời điểm đông người truy cập cùng một lúc trên hệ thống là 30.000 lượt; lưu lượng truy cập vào website đặt chỗ cho đến ngày 21/12/2014 là 1.653.436 lượt truy cập, trong đó có tới 11% là giao dịch do đối tượng trên 55 tuổi thực hiện.

Cho đến thời điểm 7h ngày 22/12/2014, tổng số vé bán trên toàn hệ thống là 273.432 vé với 59,3% số vé được mua qua website. Tính đến ngày này, hệ thống ghi nhận còn hơn 15.000 vé xuất phát từ ga Sài Gòn trong đó có hơn 7.000 vé đối với hành trình dài Sài Gòn – Hà Nội trong các ngày từ 13 – 16/2/2015.

Tại buổi gặp mặt báo chí Tổng kết kết quả 1 tháng triển khai hệ thống bán vé điện tử của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, đại diện của Tổng công ty này cho biết bình quân một năm, hệ số giữ chỗ của ngành đường sắt đạt khoảng 75%. Sau khi áp dụng hệ thống bán vé điện tử, tốc độ và khối lượng xử lý thông tin đặt vé của khách hàng đã tăng lên rất cao. Do đó, hệ số giữ chỗ được tin tưởng rằng sẽ tăng lên đáng kể, giúp ngành đường sắt nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu bán vé vừa qua, một sự cố xảy ra, đó là có 342 hành khách đã thanh toán tiền nhưng không nhận được vé. Ông Bùi Thanh Bình – Giám đốc Dự án xây dựng hệ thống vé tàu online của FPT cho biết, sự cố này liên quan đến việc thông tin cho hành khách mua vé chưa cụ thể và rõ ràng. Khi hành khách mua vé và chuyển đổi phương thức thanh toán từ thanh toán trả sau sang thanh toán bằng thẻ, hai phương thức này có thời hạn giữ chỗ khác nhau. Khi chuyển đổi, nếu không biết được thời hạn giữ chỗ của mình, sẽ bị mất quyền.

Trong ngày đầu tiên, hệ thống đã không có thông báo cho người dân về điều này. Khi sự cố xảy ra, FPT ngay lập tức đã thông báo cho các hành khách mua vé, đồng thời gia tăng thời hạn giữ chỗ cho những người thanh toán bằng thẻ. VNR và FPT đã liên hệ với những hành khách này để đề xuất phương án xử lý thích hợp.

Ngoài ra, có trường hợp khách hàng sử dụng máy tính công cộng để đặt mua vé điện tử mà quên không thoát khỏi website đặt vé. Kẻ xấu đã lợi dụng và nhấn nút “hủy chỗ” khiến cho khách hàng rơi vào tình trạng không có vé. Để khắc phục điều này, FPT đã xây dựng thêm tính năng nhắn tin xác nhận hủy vé vào số điện thoại của khách hàng.

Ông Bùi Thanh Bình cho biết, hệ thống bán vé điện tử mới phát triển ở giai đoạn 1 và là phiên bản đầu tiên của hệ thống phần mềm. Giai đoạn 2 sẽ được nâng cấp bằng cách bổ sung thêm một số kênh bán vé mới qua thiết bị di động. Bên cạnh đó, FPT sẽ phối hợp với VNR triển khai mô hình vé điện tử. Với mô hình này, hành khách không phải ra ga mua vé mà có thể in vé trên giấy A4 với công nghệ bảo mật mã 2 chiều tích hợp đầy đủ thông tin khách hàng trong một ma trận hình vuông và được xác nhận bởi máy quét tại ga tàu.

Việc này nằm trong khuôn khổ hợp đồng mà FPT ký với VNR và theo hợp đồng đó, FPT cam kết sau 1 năm, tức trước ngày 21/11/2015 sẽ hoàn thành các công việc này.

Mai Linh

trangminh

Tài chính Plus

Trở lên trên