MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng làm hàng nhái của người Việt

08-12-2013 - 10:02 AM |

Một khảo sát trên toàn Châu Âu cho thấy, trên thực tế không có mặt hàng nào là không bị làm giả, từ đắt đến rẻ.

Hải quan Czech đã học được gì sau khi bắt được hàng trăm triệu tiền hàng của người Việt tại chợ SAPA? Trong bài viết của lidovky.cz, nhân viên hải quan cho biết hiện nay người Việt không chỉ làm giả những hàng quần áo có thương hiệu như Nike, Adidas, mà người Việt còn bán cả hàng giả như xà phòng Ariel và băng vệ sinh.

Thời kỳ những người làm hàng nhái hướng đến những thương hiệu quần áo và đồng hồ nổi tiếng đã qua. Một khảo sát trên toàn Châu Âu cho thấy, trên thực tế không có mặt hàng nào là không bị làm giả, từ đắt đến rẻ. Trong cuộc phỏng vấn của Lidovky.cz, bà Jindriška Kubelková ở Tổng cục Hải quan Czech đã khẳng định, là hàng giả cũng bao vây CH Czech.

Trong những lần quây bắt hàng giả năm nay, hải quan đã tóm được cả hàng xà phòng, băng vệ sinh phụ nữ và có cả xu hướng làm giả tai nghe Beats. Tham gia phỏng vấn còn có ông Lubomír Grois, nhân viên hải quan và bà Ivana Kurková, phát ngôn viên của hải quan.

Xin bà cho biết chất lượng của hàng giả đến mức độ nào? Có phải họ đã cố gắng để đến mức không nhận ra đâu là hàng thật đâu là giả?

 Kubelková: Chất lượng hàng giả ngày càng tốt, ít nhất là về mặt hình thức. Bởi thế những mặt hàng thật luôn nghĩ làm cách nào để bảo vệ sản phẩm của mình, chẳng hạn với hàng quần áo, họ may thêm vào loại chỉ có thể lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Cách đây không lâu, chúng tôi có tịch thu mặt hàng có liên quan đến kỹ thuật mà chúng tôi cho là đáng ngờ. Chúng tôi đã liên hệ với chủ nhân của nhãn hiệu đó.

Khi đến nơi, họ cũng không thể khẳng định được ngay, đó là hàng thật hay hàng giả. Chỉ đến khi đưa đến phòng thí nghiệm, mới phát hiện được đó là hàng giả.

Về mặt nhãn hiệu, liệu hàng giả có thay đổi nhiều? Nhãn hiệu Adidas và Nike vẫn chiễm ưu thế, hay hiện nay phần lớn nhắm vào những thương hiệu đắt tiền hơn nữa? 

Kubelková: Có thể nói là hoàn toàn ngược lại. Trước đây người ta làm giả những túi xách, quần áo hay thắt lưng của những thương hiệu lớn. Nhưng bây giờ chúng tôi gặp cả những mặt hàng gia dụng hay những dụng cụ, hóa chất tẩy rửa, mỹ phẩm và hàng loạt những mặt hàng rẻ tiền khác.

Một cuộc khảo sát toàn Châu Âu cho biết, trên thực tế, không có mặt hàng nào là không bị làm giả. Kể cả những hàng xây dựng như gạch, tấm lợp hay giầm... Như vậy là thay vào những nhãn hiệu đắt tiền, hàng giả bây giờ phong phú và hướng vào những mặt hàng thông dụng hơn.

Như bà vừa cho biết đến hàng mỹ phẩm và hàng vệ sinh. Vậy có nghĩa là họ làm giả cả dầu gội đầu, kem và bột giặt?

Kubelková: Rất tiếc đúng là như vậy! Hiện nay tôi có sẵn trong kho mẫu làm giả băng vệ sinh phụ nữ Always. Hay những hàng Gillett cho cả nam và nữ. Hàng Gillett thật họ cắt thép bằng tia laser, còn ở những hàng giả, khi soi dưới kính hiển vi, bề mặt những lưỡi dao cạo không hề nhẵn nhụi và như vậy rất nguy hiểm.

Nhiều người không biết sẽ cho rằng, ồ tại sao tôi phải mua Gillett trong các tiệm hóa mỹ phẩm, trong khi tôi mua ở chợ đây giá chỉ bằng một nửa. Tương tự như vậy với hàng bột giặt, Ariel là một nhãn hiệu bột giặt thông dụng ở Praha cũng bị làm giả. Những trường hợp làm giả khác như nước hoa. Nhãn hiệu Naomi Campbell họ làm thành Naomi Caramell, Hugo Boss họ làm thành Hugo Boos, cho dù thế thì cũng là hàng giả.

Ngay cả việc sửa những chi tiết nhỏ trong nhãn mác như Adidas thành Abidas cũng vẫn bị coi là hàng giả? 

Kubelková: Đúng thế, sản phẩm như vậy sẽ tăng khả năng nhầm lẫn, đó cũng là vi phạm bản quyền. 

Grois: Đó cũng là lý do đôi khi thủ tục tố tụng kéo dài rất lâu, bởi vì phải phân xử xem liệu cái tên này có thực sự tương đồng hay có đủ mức độ để phân biệt với nhãn hiệu gốc hay không. 

Xin các vị có thể cho biết chi tiết hơn xu hướng làm giả hiện nay là gì? 

Kubelková: Năm ngoái là mùa làm thuốc lá điện tử giả. Hiện nay có rất nhiều tai nghe nhãn hiệu Beats, họ bán đến vài nghìn korun một chiếc. Càng giáp Noel chúng tôi gặp nhiều hơn những mặt hàng như quần áo ấm, đồ chơi và đồ điện tử. Liên quan đến hàng quần áo thể thao mùa đông, họ làm giả các nhãn hiệu như Jack Wolfskin hay Northface. 

Khi năm nay có giải Siêu cúp, ngay lập tức họ làm những hàng thể thao. Những người làm hàng giả họ rất nhanh chóng nắm bắt được xu hướng hiện thời. 

Vẫn chưa bắt được đồng hồ làm giả nhãn hiệu. Có phải là việc làm giả đồng hồ đã lắng xuống? 

Kubelková: Khó có thể nói chắc chắn được như vậy. Chúng tôi vẫn gặp những đồng hồ Rolex hoặc Breitling. Hay như đồng hồ đang là mốt hiện nay là Ice-watch, thì trong chợ họ cũng có cả khối lượng lớn. 

Grois: Năm ngoái chúng tôi phát hiện một kho đồng hồ và những mặt hàng cao cấp, chỗ hàng đó có thể gây thiệt hại cho những thương hiệu được bảo vệ đến hai tỉ korun. 

Ngoài hai chợ lớn ở Praha là Sapa và chợ Holešovice, thì những chợ vùng biên giới, nơi có nhiều khách nước ngoài, họ có bán nhiều nhãn hiệu khác so với Praha? 

Grois: Nói đến vùng biên giới, thì chủ yếu là vùng giáp ranh với Đức và Áo. Người Đức và người Áo họ vẫn mua những nhãn hiệu như Puma, Nike, Adidas, Tommy Hilfiger hay Lacoste, hàng da thì có Burberry hoặc Louis Vuitton, là những mặt hàng cao cấp, tuy nhiên họ cũng có xu hướng làm những mặt hàng như đã nói ở trên. 

Tháng trước hải quan đã phát hiện ở Sapa một lượng hàng giả có trị giá đến 250 triệu korun. Họ nhập từ đâu và làm cách nào họ có thể nhập hàng vào Czech? 

Grois: Trong vụ này một loạt hàng có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, số còn lại từ Châu Á. Nói chung hàng giả vẫn chủ yếu là từ Châu Á. Còn địa điểm làm thủ tục hải quan có thể bất kỳ chỗ nào trong EU, đó là khả năng thứ nhất. Khả năng thứ hai là hàng được làm ngay tại Séc, có nghĩa là họ chỉ may thêm nhãn hiệu vào hàng quần áo. 

Hiện nay ở Czech có những xưởng, như chúng ta biết qua một phim tài liệu về sản phẩm may mặc ở Châu Á. Liệu có thể phát hiện được những xưởng đó? 

Grois: Việc tìm những xưởng này lại phải giải quyết trong tố tụng hình sự. 

Kurková: Vừa mới tuần trước, chúng tôi đã bắt được 4 chiếc máy trong một xưởng nhỏ ở Praha 4. Một xưởng sản xuất hàng nhái nhỏ. Ở đây hai người đàn ông và hai người phụ nữ Châu Á may thêm logo vào quần áo. Mỗi ngày họ có thể làm đến cả nghìn chiếc. 

Có biện pháp nào xử lý hàng nhái hữu hiệu hơn, chẳng hạn nếu hải quan kiểm tra thường xuyên hơn, một tuần một lần. Người ta sẽ không dám bán hàng giả nếu thấy bóng nhân viên hải quan? 

Grois: Việc kiểm tra hàng vẫn đều đặn. Những nhân viên của chúng tôi vẫn có nhiệm vụ đi xuống địa bàn thường xuyên. Nhưng liên quan đến việc sở hữu trí tuệ (phát hiện hàng giả), mặc dù hải quan chúng tôi cũng lưu ý hơn nhưng đồng thời ở ta có nhiều cơ quan khác cũng có thẩm quyền như cơ quan quản lý hàng tiêu dùng, kiểm tra nhãn hiệu... Do đó chúng tôi cũng bị hạn chế.

Tuy nhiên những người bán hàng có những mánh mà khó có thể nhận ra, chẳng hạn ở chợ Holešovice. Bình thường trong các quầy sẽ không thể nhìn thấy hàng Adidas, nhưng khi họ thấy là người này có thể là "khách sộp" thì họ sẽ dẫn đến một chỗ nào đó khóa kín, ở đó họ có thể chào mời hàng có thương hiệu.

Kubelková: Trước đây một thời gian tình hình ở các chợ biên giới có khá hơn khi hải quan kiểm tra 24 giờ một ngày. Nhiều quầy hàng bắt buộc phải đóng cửa. Kết quả là hàng phải chuyển vào bán ở các cửa hàng. Đối với hải quan chúng tôi, đó là điều thuận lợi, vì ở các cửa hàng chúng tôi biết được hàng đó của ai. Còn ở các quầy hàng họ có thể đưa ra lý do là họ bán hộ, hoặc đơn giản là họ bỏ chạy để lại quầy.

Các vị có thấy rằng chợ đã ít đi và hàng Châu Á cũng chững lại như trước những năm 2000?

Kubelková: Tôi không thấy điều đó. Nếu đi một vòng chợ Holešovice thì sẽ thấy ở đó không hề trống. Nhưng ở các vùng biên giới, nhiều chợ phải đóng cửa là vì mọi người chuyển vào cửa hàng.

Nhưng tôi nghĩ giới trẻ hiện nay rất thạo, họ có thể biết bạn mặc một cái áo Adidas là thật hay giả. Khi chúng tôi mở một hoạt động trưng bày những hàng giả và có một cuộc thi phân biệt hàng thật và hàng giả, thì những người trẻ họ ý thức rất tốt, là hàng thật sẽ trông như thế nào.

Theo Mai Phương

khanhnt

Báo lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên