MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gỗ: Sân chơi của nhà đầu tư nước ngoài

10-11-2013 - 13:45 PM |

Các DN và chuyên gia cho rằng XK gỗ Việt Nam đang trở thành sân chơi của nhà đầu tư nước ngoài và giải pháp cho DN trong nước là quay về thị trường nội địa.

Chiếm 2/3 kim ngạch XK

Theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ từ các thị trường tiêu thụ trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU đã tăng lên từ đầu năm 2013 đến nay. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất, năm 2012 tăng khoảng 20% so năm 2011, năm 2013 dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng. Những thuận lợi này giúp cho các DN chế biến và XK đồ gỗ Việt Nam phát triển khá tốt so với các năm trước.

“Đến thời điểm này hầu hết các DN thành viên đã ký hợp đồng đến hết tháng 11, có DN đã có hợp đồng sản xuất đến tháng 12. Một thuận lợi nữa là các khách hàng EU, Mỹ, Nhật đều chuyển từ đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam”, ông Lương Kim Ngọc – Phó chủ tịch BIFA cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, đang có sự phân hóa khá mạnh giữa các DN trong ngành gỗ, nếu như những DN có năng lực chế biến lớn, nhiều nhất là các DN FDI đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Anh… “làm cả ngày lẫn đêm” vẫn không kịp giao hàng thì nhiều DN nội địa “ngồi chơi xơi nước”. Vì vậy, dù chỉ chiếm 10% về số lượng trong tổng sổ 3.900 DN ngành gỗ, nhưng các DN FDI đang chiếm gần 2/3 kim ngạch XK của toàn ngành.

“Nguyên nhân do DN FDI có năng lực quản lý, tài chính cao hơn hẳn DN nội mà đồng thời có sẵn mạng lưới đối tác là các hệ thống phân phối, siêu thị ở các thị trường NK lớn như Mỹ, Nhật, EU nên họ tiết giảm được nhiều chi phí và không mất thời gian tìm hiểu đối tác như các DN trong nước”, ông Nguyễn Tôn Quyền lí giải.

Còn một thực trạng đáng báo động nữa theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) hiện đa số các DN chế biến gỗ NK nguyên liệu từ 60% - 70%, riêng phụ liệu nhập từ 70% - 80%, có DN phải NK gần như hoàn toàn, từ kiểu dáng đến giá cả cũng do khách hàng chi phối. Điều này đang dẫn đến tình trạng lệ thuộc hoàn toàn của ngành chế biến gỗ Việt Nam vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài, làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng sản phẩm đồ gỗ XK.

Quay về sân nhà

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, trong bối cảnh hiện nay VIFORES khuyến cáo các DN gỗ trong nước nghiên cứu phát triển mạnh thị trường nội địa. Bởi thống kê cho thấy mức tiêu thụ đồ gỗ nội địa của các DN ngành gỗ các năm qua chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD. Con số này là quá thấp so với một thị trường gần 100 triệu dân như Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền kiến nghị để tạo điều kiện cho DN ngành gỗ hướng về thị trường nội địa, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành thêm các chính sách mới để hỗ trợ DN ngành này. Vì thực tế các DN ngành gỗ vẫn phải gánh nhiều khoản thuế như thuế Tài nguyên (10% - 30%) … vì thế giá thành sản phẩm đội lên cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại NK từ Trung Quốc. Ngoài ra, cần có một chiến lược phát triển ngành chế biến gỗ lâu dài, mở rộng đối tượng hưởng kích cầu hỗ trợ vốn với lãi vay ưu đãi hoặc không tính lãi cho các DN vừa và nhỏ. Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các DN trực tiếp hợp tác liên kết với chủ rừng để khai thác nguyên liệu gỗ một cách chắc chắn, thông qua các hiệp định song phương đã ký kết giữa Việt Nam và các nước có rừng.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA nhận định thị trường đồ gỗ nội địa đang chờ cơ hội từ hồi phục của thị trường bất động sản trong các năm tới. Theo ông Hạnh, nhu cầu xây dựng mới của thị trường bất động sản chiếm khoảng 40% tiêu thụ đồ gỗ nội địa, phần còn lại là các công trình nhà dân.

“HAWA cho rằng với kinh tế vĩ mô khá ổn định trong năm nay, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ, chủ yếu đến từ thị trường bất động sản sẽ hồi phục và tăng trưởng trong năm sau. Do vậy, các DN ngành gỗ Việt Nam cần nhanh chóng xác lập sự liên kết giữa nhà sản xuất với nhà tư vấn kiến trúc và DN kinh doanh phân phối để đón đầu sự phục hồi của thị trường nội địa”, ông Huỳnh Văn Hạnh khuyến cáo.

Theo Quang Duy

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên