MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng tồn và phải thu giảm chủ yếu do doanh thu giảm: Công cuộc tái cấu trúc của Lộc Trời (LTG) đã, đang và sẽ còn chậm?

18-07-2020 - 08:08 AM | Doanh nghiệp

Trong ngắn hạn, giới quan sát nhận thấy việc tinh giảm hàng tồn kho và khoản phải thu của Lộc Trời (LTG) chủ yếu do doanh thu sụt giảm thay vì cải thiện vòng quay hàng tồn kho hay khoản phải thu. Cùng với đó, mặc dù chính sách tinh chỉnh hệ thống phân phối đã giúp khoản phải thu liên tục giảm so với cùng kỳ (từ quý 4-2018), đi cùng sự sụt giảm doanh thu, thì vòng quay khoản phải thu ngược lại chưa có sự cải thiện.

Từ nửa cuối năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã tái cơ cấu lại mảng gạo bằng việc ngừng bán gạo không thương hiệu, tập trung vào gạo có thương hiệu. Bên cạnh đó, LTG đang nỗ lực siết chặt chính sách thu nợ với các đơn vị phân phối thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm giảm giá trị khoản phải thu.

Chi tiết, những năm trước khi thị trường thuốc BVTV đang bão hòa, LTG đã nỗ lực mở rộng thị phần thông qua việc mở rộng hệ thống nhà phân phối và đưa ra những chính sách mua trả có phần "thoải mái". Điều này dẫn đến gánh nặng ở khoản phải thu khi nhiều đơn vị phân phối chậm trả tiền. Thời gian trở lại đây, LTG ngược lại đã tiến hành thanh lọc đại lý cấp 1 và giảm số lượng từ mức 1.300 (cuối năm 2018) về chỉ còn hơn 400. Bên cạnh đó, Công ty dành nhiều thời gian hơn để hỗ trợ các đại lý cấp 2, việc không được thực hiện thường xuyên trước đây.

Điều kiện kinh doanh khó khăn trong nửa đầu năm 2020 có thể sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giới quan sát nhận thấy việc tinh giảm hàng tồn kho và khoản phải thu chủ yếu do doanh thu sụt giảm thay vì cải thiện vòng quay hàng tồn kho hay khoản phải thu. Cùng với đó, mặc dù chính sách tinh chỉnh hệ thống phân phối đã giúp khoản phải thu liên tục giảm so với cùng kỳ (từ quý 4-2018), đi cùng sự sụt giảm doanh thu, thì vòng quay khoản phải thu ngược lại chưa có sự cải thiện.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự kiến doanh thu và lợi nhuận của LTG sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong nửa đầu năm và sẽ hồi phục trở lại từ quý 3/2020. Như vậy, điều kiện kinh doanh khó khăn trong nửa đầu năm 2020 có thể sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn. VDSC nhấn mạnh, sẽ phải quan sát thêm diễn biến các chỉ số quản lý vốn lưu động trong các quý tới trước khi đưa ra các đánh giá về tác động của những chính sách mới lên hiệu quả hoạt động của LTG.

Đáng chú ý, nhận thấy tình hình hoạt động còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây ban lãnh đạo LTG quyết định dời thời điểm chuyển sang sàn HoSE qua năm 2022 thay vì 2019 như dự kiến ban đầu.

Hàng tồn và phải thu giảm chủ yếu do doanh thu giảm: Công cuộc tái cấu trúc của Lộc Trời (LTG) đã, đang và sẽ còn chậm? - Ảnh 1.

Hoạt động xuất khẩu gạo của LTG sẽ được kiểm soát cầm chừng hơn

Đi sâu vào tình hình kinh doanh, quý đầu năm LTG ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 733 tỷ đồng, giảm mạnh 53% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm mạnh do sự sụt giảm ở doanh thu của 2 mảng kinh doanh chính gồm thuốc BVTV và gạo.

Cụ thể, doanh thu thuốc BVTV giảm 64% YoY, xuống 326 tỷ đồng trong khi doanh thu gạo chỉ đạt 202 tỷ đồng, giảm 57%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán, hạn mặn và dịch Covid-19 lên ngành nông nghiệp.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp (LNG) được cải thiện từ 21,8% (quý 1/2019) lên 24,3%, LNG chỉ đạt 178 tỷ, giảm đến 48%. Kết quả, Công ty báo lỗ ròng 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến hơn 56 tỷ.

Riêng về mảng gạo, xuất khẩu gạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bao gồm:

(1) giảm xuất khẩu qua Trung Quốc do có những thay đổi trong quy trình kinh doanh gạo,

(2) hoạt động xuất khẩu giữa các quốc gia bị hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19,

(3) Chính phủ yêu cầu ngừng xuất khẩu gạo từ ngày 24/3 để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Trong khi đó, giá bán tăng 6% do nguồn cung suy giảm khi nước xuất khẩu lớn là Thái Lan bị mất mùa do hạn hán, hạn mặn và thiếu nguồn nước tưới tiêu, trong khi nguồn cầu tăng do các nước đẩy mạnh nhập khẩu gạo để dự trữ lương thực trong thời gian cách ly do dịch Covid-19.

Hàng tồn và phải thu giảm chủ yếu do doanh thu giảm: Công cuộc tái cấu trúc của Lộc Trời (LTG) đã, đang và sẽ còn chậm? - Ảnh 2.

Dự báo cho cả năm 2020, hoạt động xuất khẩu gạo của LTG sẽ được kiểm soát cầm chừng hơn, không còn tình trạng trữ gạo đón đầu xuất khẩu như trước nhằm tránh tình trạng không xuất được dẫn đến bị ép giá. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu của LTG sẽ giảm 28%, VDSC nhận định.

Được biết, Đại hội năm 2020 của LTG ghi nhận nhiều thay đổi đáng chú ý từ nhân sự, cơ cấu kinh doanh đến định hướng mới trong mảng nông nghiệp. Nhìn chung, Tập đoàn đang trong giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt, nhằm thoát khỏi những khó khăn hiện hữu của mảng nông nghiệp. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn ở phía trước, phụ thuộc vào chiến lược, năng lực ban lãnh đạo cũng như các yếu tố thị trường.

Hàng tồn và phải thu giảm chủ yếu do doanh thu giảm: Công cuộc tái cấu trúc của Lộc Trời (LTG) đã, đang và sẽ còn chậm? - Ảnh 3.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên