Hàng trăm hộ dân khốn đốn vì “siêu dự án”
Chỉ trong ít năm, thôn Tân, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) đã được phê duyệt 3 “siêu dự án” du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf, tuy nhiên trái với kỳ vọng, việc nằm trong vùng quy hoạch dự án nhưng chủ đầu tư chậm triển khai đã đẩy đời sống của hàng trăm hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn.
- 21-12-2023Diễn biến mới nhất tại dự án của Ecopark tại Nghệ An
- 21-12-2023Nam Long bảo lãnh cho chủ đầu tư Khu biệt thự Đại Phước Paragon vay 1.300 tỷ đồng tại ngân hàng OCB
- 21-12-2023"Doanh nghiệp rất muốn giảm giá nhà nhưng khó vì chi phí đầu vào tăng cao"
Đi không được, ở không xong
Năm 2016 - 2017, thôn Tân được đưa vào quy hoạch để đón các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… hàng trăm hộ dân ở vùng bãi ngang nghèo khó này đã rất vui mừng và hy vọng. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thu hút lao động tại địa phương, tạo thu nhập ổn định, người trong diện phải di dời cũng sẽ có một số vốn kha khá từ số tiền đền bù để chuyển đổi nghề... Đến cuối năm 2020 đã có 2 “siêu dự án” được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý chủ trương đầu tư; đến năm 2023, một dự án sân Golf lớn cũng được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sự chậm trễ trong triển khai các dự án của chủ đầu tư đã đẩy hàng trăm hộ dân ở thôn Tân vào tình cảnh đi không được, ở lại không xong và chồng chất khó khăn.
Chị Đinh Thị Thân - một người dân trú tại thôn Tân cho biết: Gia đình chị xuống đây định cư từ năm 2008, cùng nhiều hộ dân khác trong xã. Đến năm 2016, sau khi chính quyền công bố thôn nằm trong vùng quy hoạch chờ dự án thì mọi hoạt động san tách hộ, cấp sổ đỏ cũng như xây dựng, sửa chữa nhà trong thôn đều bị đình chỉ. Điều này vô tình đẩy gia đình chị và nhiều hộ dân khác vào tình cảnh hết sức khó khăn. Nhà cửa xuống cấp không được xây mới, muốn vay vốn ngân hàng để mua sắm tàu thuyền, ngư cụ để vươn khơi cũng không được vì không có tài sản thế chấp. “Từ khi được đưa vào quy hoạch, đời sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế không thể phát triển. Mỗi khi mùa mưa bão về, chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ. Trong khi đó, nếu muốn di chuyển đến nơi ở mới thì lại không có tiền mua đất, làm nhà” - Chị Thân nói.
Cùng có chung tâm trạng với chị Thân, ông Phạm Văn Việt - một người dân khác ở thôn Tân cũng cho biết: Mấy năm trước, nhà nước đã tiến hành kiểm kê tài sản trên đất của toàn bộ người dân trong thôn nhưng chỉ thấy họ đến rồi đi mà không thấy áp giá đền bù, chi trả tiền cho các hộ dân cũng như nhà đầu tư triển khai dự án như đã thông tin. Bên cạnh đó, do bờ biển bị sạt lở, năm 2020, nhà nước đã đầu tư một hệ thống kè chắn sóng, chống sạt lở ven bờ biển, vô hình chung, kè chắn sóng này lại trở thành một con đê thấp, khi triều cường lên, nước biển tràn vào khu dân cư rồi bị mắc lại, khiến cả vùng đất bị nhiễm mặn.
“Cả thôn có 180 hộ dân, đến nay chỉ còn chừng hơn trăm hộ. Đây là những hộ không có điều kiện để di dời đến nơi ở mới đành phải trụ lại, chờ tiền đền bù, gia đình tôi là một điển hình. Chúng tôi mong muốn, nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục vận hành dự án thì sớm có phương án đền bù để người dân di dời, còn nếu không thì cũng phải có phương án khác chứ với tình trạng này chúng tôi khổ lắm” - ông Việt nói.
Mịt mù lối thoát
Ông Vũ Hoàng Anh - Trưởng thôn Tân cho biết: Đến thời điểm hiện tại, thôn Tân có tới 3 dự án lớn được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư. Đầu tiên là các dự án: Khu khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng của Công ty CP đầu tư dịch vụ Bất động sản Victoria với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, diện tích thu hồi đất là 25ha; Dự án Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại của Công ty CP ORG có tổng mức đầu tư là gần 5.000 tỷ đồng, diện tích thu hồi là 97ha. Cả 2 dự án này cùng được UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định chấp thuận vào tháng 11/2020. Đến năm 2023, UBND tỉnh lại tiếp tục chấp thuận cho Công ty CP Biệt thự và khách sạn biển Đông Phương đầu tư dự án sân golf với tổng diện tích phải thu hồi là 72,56ha đất.
“Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng tôi chỉ thấy 1 lần duy nhất chính quyền tiến hành đi kiểm kê tài sản của người dân trong thôn, còn lại thì “án binh bất động”. Dự án cứ kéo dài mãi thế này đã vô tình đẩy cuộc sống của người dân thôn Tân vào muôn vàn khó khăn và những hệ lụy khôn lường. Rất mong các cấp, ngành sớm có giải pháp để bà con được yên tâm sinh sống”- ông Hoàng Anh bày tỏ.
Tuy nhiên, trái với những lo lắng, bức xúc của người dân thôn Tân, ông Trần Văn Long - Chủ tịch UBND xã Quảng Nham lại khẳng định: Có một vài hộ dân nói không đúng! Các dự án chỉ mới được chấp thuận và vẫn đang tiếp tục triển khai theo kế hoạch.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Nam - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Xương cho biết: Đối với 2 dự án của Công ty CP đầu tư dịch vụ Bất động sản Victoria và Công ty CP ORG được phê duyệt chủ trương vào tháng 11/2020, đều đã hết hiệu lực hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án. Hiện nay nhà thầu đang trình UBND tỉnh xin gia hạn nhưng UBND tỉnh chưa đồng ý. Chính vì vậy chủ đầu tư chưa thể tiến hành chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân. Đối với dự án sân golf mới được UBND tỉnh chấp thuận thì huyện đang tiến hành các bước kiểm kê, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Đại Đoàn Kết