Hàng trăm ngàn xe ôm công nghệ sẽ “vướng” khấu trừ trong thuế thu nhập
Hiện nay, theo hướng dẫn từ cơ quan thuế, tài xế xe ôm công nghệ như GrabBike của Grab, Go-Bike của go-Viet, BeBike của Be, MyGo của Viettel và FastBike của FastGo… đều sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân nếu có tổng thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên vì được xếp vào diện “cá nhân kinh doanh”…
- 02-09-2019Có thể tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
- 31-08-2019Tổng cục Thuế nói gì về điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế?
- 30-08-2019Sẽ tăng mức giảm trừ gia cảnh lên hơn 9 triệu đồng
Bao nhiêu xe ôm công nghệ là “cá nhân kinh doanh”?
Các con số được cập nhật đến thời điểm tháng 8.2019 cho thấy, tổng số tài xế xe ôm công nghệ của các hãng Grab, Go-Viet, Be, MyGo, FastGo cộng lại đã lên đến trên 400.000.
Cụ thể, công bố vào cuối năm 2018, Grab cho biết tổng số đối tác tài xế của họ là 175.000 người, gồm tài xế taxi công nghệ và xe ôm công nghệ (được cho rằng trên 130.000 người). Phía Go-Viet gần đây công bố tổng số tài xế xe hai bánh của họ đã hơn 125.000.
MyGo dù mới ra mắt dịch vụ từ tháng 7.2019 nhưng gần đây cho biết số lượng đối tác tài xế tăng mạnh và đã cán mức khoảng 100.000. Trong khi đó, Be và FastGo mỗi hãng cũng có trên 40.000 tài xế xe ôm công nghệ.
Từ việc tài xế GrabBike được xếp vào diện “cá nhân kinh doanh” trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân, tài xế xe hai bánh của các hãng còn lại, cũng đương nhiên thuộc diện này khi phải thực hiện thủ tục nộp thuế với mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.
Trong trường hợp các tài xế taxi công nghệ cũng bị xếp vào diện “cá nhân kinh doanh” thì số lượng tài xế vận tải công nghệ thuộc diện “cá nhân kinh doanh” có thể còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc hiện nay đang xảy ra ở khu vực tài xế xe ôm công nghệ, chính là việc họ không được khấu trừ chi phí trong thuế thu nhập.
Có bao nhiêu thứ chi phí hợp lí không được khấu trừ?
Theo Thông tư 92/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 15.6.2015 hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân được xếp vào diện “cá nhân kinh doanh” sẽ chịu ba mức thuế như sau: Thuế giá trị gia tăng 3% tổng doanh thu; thuế thu nhập cá nhân 1,5% tổng doanh thu; tiền thưởng bị đánh thuế 1%.
Các “cá nhân kinh doanh” sẽ không được giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên theo Thông tư 92, đối tượng thuộc diện chịu thuế này cũng không được quy định rõ là có được khấu trừ các “chi phí sản xuất kinh doanh” hợp lý hay không.
Hiện cả nước có hơn 400.000 tài xế xe ôm công nghệ (ảnh:PK).
Anh C, một tài xế Go-Bike cho rằng: “Cá nhân kinh doanh có nhiều dạng khác nhau. Nếu là hộ kinh doanh, kinh tế gia đình họ tương đối, thậm chí có thu nhập khá giả. Còn anh em chạy xe ôm như tụi tôi, thu nhập kém họ rất xa, hầu hết là kiếm cơm qua ngày. Thế nhưng tụi tôi không được khấu trừ các chi phí hợp lí thì đã thiệt càng thiệt”.
Anh P, một tài xế GrabBike so sánh: Trường hợp có thu nhập cùng là 110 triệu đồng mỗi năm, người có thu nhập từ tiền công, tiền lương chỉ phải đóng 5% trong khoản thu nhập chịu thuế (là trên 9 triệu đồng/tháng, tương ứng trên 108 triệu đồng/năm), là 5% của khoản thu nhập chịu thuế là 2.000.000 đồng, tức phải đóng 100.000 đồng. Nhưng trong trường hợp người chịu thuế có con nhỏ, cha mẹ già.v.v… sẽ được giảm trừ gia cảnh, sẽ không phải đóng một đồng thuế nào.
Thế nhưng, các tài xế xe ôm công nghệ nếu có thu nhập 110 triệu đồng/năm sẽ bị chịu thuế 1,5% tổng thu nhập, phải đóng 1.650.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân. Như trường hợp anh P, sẽ không được giảm trừ gia cảnh, song ngoài ra còn nhiều chi phí hợp lí khác để phục vụ cho công việc như xăng nhớt (khoản chi lớn nhất), trang phục, nón bảo hiểm, điện thoại, chi phí Internet cũng không được khấu trừ.
Những khoản chi phí trên được nhiều tài xế xe ôm công nghệ cho rằng có thể chiếm từ 20-30% tổng doanh thu của họ. Có nghĩa là, thu nhập thực chất của họ chưa tới ngưỡng 100 triệu đồng/năm nhưng vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Lao động