Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng, nước Mỹ "nín thở" trước thời khắc quan trọng đêm 30/9
Nếu như 11h59 tối ngày 30/9 thỏa thuận vẫn chưa đạt được thì chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa lần thứ 4 trong 8 năm trở lại đây.
- 30-09-2021Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
- 29-09-2021Hãng hàng không lớn của Mỹ sa thải tất cả nhân viên không chịu tiêm vắc xin COVID-19
- 29-09-2021Mỹ chạy đua ngăn "thảm họa kép"
Văn phòng quản lý và ngân sách Hoa Kỳ (OMB) là cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thực thi các chính sách liên quan đến nhánh hành pháp của nước Mỹ. Ngày 23/9 vừa qua, người phát ngôn của OMB nói rằng mặc dù ông "hoàn toàn kỳ vọng Quốc hội sẽ đạt được thỏa thuận lưỡng đảng để Chính phủ Mỹ không phải đóng cửa, cung cách quản lý thận trọng đòi hỏi chính phủ phải chuẩn bị cho việc cạn tiền".
Năm tài khóa của Mỹ bắt đầu vào ngày 1/10. Đến ngày 29/9 vừa qua, Quốc hội vẫn chưa thông qua được ngân sách để chính phủ tiếp tục vận hành. Nếu như 11h59 tối ngày 30/9 thỏa thuận vẫn chưa đạt được thì chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa lần thứ 4 trong 8 năm trở lại đây.
Chính xác thì điều này có ý nghĩa như thế nào? Điều gì xảy ra khi chính phủ Mỹ đóng cửa?
Một số bộ phận vẫn sẽ tiếp tục hoạt động. Ví dụ, các bệnh viện trực thuộc Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ - cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người – vẫn sẽ mở cửa. Thư vẫn được giao nhận, vì bưu cục được tài trợ bởi nguồn thu khác chứ không phải từ nguồn thu thuế. Các nhân viên không lưu, người trong lực lượng quân đội và các công chức thuộc lực lượng thi hành án vẫn sẽ làm việc. Tuy nhiên họ sẽ không được trả lương.
Sau lần đóng cửa gần nhất, bắt đầu từ ngày 22/12/2018 và kéo dài tới 35 ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật đảm bảo sau đó những viên chức nói trên phải được trả lương. Tuy nhiên nếu như thời gian đóng cửa kéo dài quá lâu, họ vẫn sẽ bị ảnh hưởng.
Một số bộ phận khác thì hoạt động với công suất giảm. Những người phụ thuộc vào tiền trợ cấp an sinh xã hội và chương trình bảo hiểm y tế Medicare vẫn sẽ nhận được tiền hàng tháng. Tuy nhiên người nộp đơn xin trợ cấp mới sẽ phải chờ đợi.
Tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều bộ phận sẽ ngừng hoạt động vì không còn tiền. Ví dụ, trong các lần đóng cửa trước, Cơ quan bảo vệ môi trường đã ngừng các cuộc thanh tra tại các cơ sở sản xuất hóa chất và các nhà cung cấp nước uống, cũng như tại các cơ sở xử lý rác độc hại.
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm có thể ngừng kiểm tra các lò mổ và các cơ sở chế biến thực phẩm. Nếu chính phủ đóng cửa quá lâu, chương trình food-stamp cũng bị ngừng lại, khiến các gia đình nghèo đứng trước nguy cơ đói. Công viên quốc gia vẫn mở cửa nhưng hạn chế nhiều dịch vụ.
Chính phủ Mỹ càng đóng cửa lâu thì nguy cơ xuất hiện những hậu quả bất ngờ càng lớn, ví dụ như các tai nạn chết người vì đường sá cầu cống không được sửa chữa. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vì quá trình phê duyệt khoản vay chậm trễ.
Tất nhiên, trước mắt thì hàng triệu gia đình của các công chức liên bang sẽ gặp phải khó khăn về tài chính. Và Văn phòng ngân sách Quốc hội (CBO) đã ước tính rằng sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa năm 2018 đã khiến GDP quý IV năm đó thiệt hại khoảng 3 tỷ USD. Năm nay tình hình còn có thể tồi tệ hơn, bởi năm 2018 Quốc hội đã kích hoạt 5 trong số 12 dự luật cần thiết để chính phủ vẫn có thể tiếp tục vận hành. Còn năm nay mới chỉ có 1 dự luật được thông qua.
Theo Economist