Hàng vạn cành hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc buộc phải tiêu hủy
hàng vạn cảnh hoa Đà Lạt xuất khẩu sang Úc không được do quy định "bất nhất".
Người trồng hoa ở Đà Lạt và các huyện lân cận của tỉnh Lâm Đồng lâm cảnh điêu đứng vì không xuất khẩu được hoa do Bộ NN-PTNT cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate.
- 07-06-2021TP HCM sẽ không để hoa tươi ùn ứ
- 13-03-2021Mùng 1, hoa tươi giảm giá, dâu tây siêu rẻ
- 25-02-2021Hoa tươi sau Tết ở Hà Nội rớt giá thê thảm chưa từng thấy
Sáng 14-7, đại diện Công ty TNHH Dalat Hasfarm (Dalat Hasfarm) và các nông hộ trồng hoa xuất khẩu địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng), phải tiêu hủy hàng trăm ngàn cành hoa trong hơn 10 ngày qua xuất khẩu sang Úc nhưng không đi được.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm cho biết theo Thông tư số 10/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thì từ ngày 1-7, các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Glyphosate bị cấm sử dụng trong nước.
Xót xa tiêu hủy hàng trăm ngàn cành hoa cúc vì không xuất khẩu được.
Trong khi hàng chục năm qua Dalat Hasfarm sử dụng hoạt chất Glyphosate ngâm cành hoa trong 20 phút trước khi đóng gói nhằm triệt mầm hoa cúc. Điều đáng nói, hoạt chất Glyphosate được Úc, Nhật Bản là những nước nhập khẩu hoa Đà Lạt chấp nhận.
Cũng theo ông Bảo, "do qui định này nên hơn 10 ngày qua, Tổ Kiểm dịch của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đóng tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) từ chối không cấp giấy phép cho các lô hàng xuất khẩu qua Úc, khiến 700.000 cành hoa cúc, cẩm chướng phải đưa về lại trang trại ở Đạ Ròn (Đơn Dương) để chờ tiêu hủy" - ông Bảo nói.
Trước mắt hoa Đà Lạt xuất khẩu không được phải tiêu hủy gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Một trong những hộ dân liên kết trồng hoa cúc xuất khẩu sang Úc với Công ty TNHH Dalat Hasfarm với diện tích 0,7 ha, ông Lê Mỹ Thành (phường 7, TP Đà Lạt), buồn bã nói: "Người dân chúng tôi đã liên kết trồng hoa xuất khẩu với công ty Hasfarm được 5 năm. Nay công ty xuất khẩu không được, hoa chúng tôi làm ra rất vất vả nhưng vẫn nằm ở vườn. Chúng tôi rất lo ngại vì vốn đã đổ xuống vườn nhưng không thu lại được nên thiệt hại trước mắt là rất lớn!".
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt nhận định việc không cho sử dụng hoạt chất Glyphosate đang gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp và các nông hộ trồng hoa ở Đà Lạt. Mặt khác còn có nguy cơ buộc hàng trăm công nhân phải nghỉ việc, nhiều nhà vườn mất thu nhập vì phải cắt, đổ bỏ hoa ngoài đồng.
Mất thị trường Úc không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành hoa, ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng mà còn là thiệt hại chung của ngành hoa, ngành nông nghiệp của cả nước.
"Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Lâm Đồng đã gửi kiến nghị và bên Cục Bảo vệ thực vật có thông báo Bộ Nông nghiệp Úc đã đồng ý thay thế hoạt chất khác Glyphosate và đang đợi phía Úc chấp nhận các hoạt chất thay thế khác. Trước mắt Hiệp hội hoa Đà Lạt mong Bộ NN-PTNT tạm thời vẫn tiếp tục cho các doanh nghiệp và các thành viên Hiệp hội hoa được tiếp tục sử dụng Glyphosate cho đến khi Úc đồng ý thay thế hoạt chất khác" - ông Sang thông tin.
Người dân trồng hoa Đà Lạt (Lâm Đồng), lo lắng xuất khẩu không được thiệt hại rất lớn.
Người lao động