MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trang của Dầu khí Thái Dương (TDG) có gì khi lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp?

26-10-2020 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 26/10 được kỳ vọng sẽ mở đường cho Dầu khí Thái Dương lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp giàu tiềm năng.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cùng các hiệp định thương mại tự do đã thúc đẩy làn sóng di dời nhà máy và dòng vốn đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Điều này lý giải cho tốc độ tăng trưởng cao và ổn định của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp trong thời gian qua.

Dịch Covid-19 là cơ hội tốt để gia nhập ngành bất động sản khu công nghiệp

Bước sang đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng cũng ít nhiều gây khó khăn cho ngành. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định thị trường sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo thống kê, giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp bình quân vẫn tăng khoảng 10% so với cuối năm 2019. Đặc biệt, đầu năm nay Chính phủ đã có chủ trương tăng đầu tư công, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu tư ngoại. Có thể thấy rằng nhu cầu thuê và giá thuê sẽ tiếp tục tăng cao.

Hành trang của Dầu khí Thái Dương (TDG) có gì khi lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp? - Ảnh 1.

Sự chùng xuống do dịch Covid-19 được đánh giá là cơ hội lớn cho các tân binh gia nhập thị trường đặc biệt là những doanh nghiệp có năng lực và điều kiện để đáp ứng yêu cầu của ngành như CTCP Dầu khí Thái Dương (mã TDG).

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 26/10, TDG sẽ trình cổ đông thông qua việc bổ sung lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và điện mặt trời áp mái vào điều lệ công ty.

Nhận thấy cơ hội trong đầu tư bất động sản khu công nghiệp đang triển khai tại Bắc Giang, TDG góp vốn đầu tư với Công ty TNHH Minh Hoàng Long - một trong những công ty đi trước đón đầu đang sở hữu nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp lớn ở Bắc Giang. Trong đó, dự án tại Cụm công nghiệp Việt Tiến đang trong giai đoạn hoàn thiện sắp đưa vào sử dụng, đã có các đối tác lớn từ Hàn Quốc, Trung Quốc... ký hợp đồng đặt chỗ.

TDG hiện cũng đang đầu tư dự án nhà xưởng cho thuê trong khuôn viên đất của công ty tại lô D1 khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với tổng diện tích xây mới và cải tạo lên đến 4.000 m2. Tổng mức đầu tư vào khoảng 10 tỷ đồng, giá cho thuê dự kiến 3,2 usd/m2.

Mảng năng lượng tái tạo giàu tiềm năng

Đi cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến tháng 6/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái ở Việt Nam đạt 763.555 kWP, tăng mạnh so với con số 428.612 kWP tháng 1/2020.

Hành trang của Dầu khí Thái Dương (TDG) có gì khi lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp? - Ảnh 2.

Để tham gia vào lĩnh vực năng lượng giàu tiềm năng này, TDG đang có kế hoạch rót vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhằm thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái.

Các dự án thực hiện sẽ cung cấp ra thị trường hàng năm khoảng 3.500 MWh điện năng lượng mặt trời. Theo thị giá được quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khách phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam, doanh thu mỗi năm có thể đạt hơn 6,8 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư các dự án trên sẽ được TDG huy động thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến trong năm 2020, số tiền TDG dự thu vào khoảng 167,7 tỷ đồng.

Thị giá cổ phiếu TDG hiện tại thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách 11.808 đồng/cổ phần (thời điểm 31/12/2019). TDG cho rằng mức giá chào bán (10.000 đồng/cổ phiếu) đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu và phù hợp với thị giá cổ phiếu.

Quy mô liên tục mở rộng, chuẩn bị sẵn nguồn lực để đầu tư mới

Sau 16 năm phát triển, từ số vốn ban đầu 2 tỷ đồng, TDG đã nâng vốn điều lệ lên mức 167,7 tỷ đồng. Cùng với đó, công ty liên tục đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, quy mô tổng tài sản cũng theo đó gia tăng qua từng năm, đạt 433 tỷ đồng cuối năm 2019.

Hành trang của Dầu khí Thái Dương (TDG) có gì khi lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp? - Ảnh 3.

Với nền tảng kinh doanh ổn định, TDG duy trì kinh doanh có lãi trong nhiều năm làm gia tăng khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giúp tăng vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn dồi dào giúp doanh nghiệp chủ động nắm bắt các cơ hội đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực mới như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng mặt trời, chăn nuôi công nghệ cao và phát triển mở rộng mạng lưới xăng dầu, khai thác vật liệu xây dựng....

Bên cạnh đó, TDG còn có khả năng huy động vốn khá tốt từ kênh phát hành thêm. Với kinh nghiệm phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn điều lệ từ năm 2018, TDG có cơ sở để thực hiện chào bán thành công cổ phiếu ra công chúng trong đợt huy động vốn tới đây.

TDG cũng có mối quan hệ đa dạng từ các tổ chức ngân hàng, tổ chức tín dụng, đối tác kinh doanh. Với tình hình tài chính lành mạnh, công ty có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay cũng như kêu gọi hợp tác đầu tư đến từ các đối tác này.

Nhìn chung, TDG đang huy động tối đa các nguồn lực như tài chính, quỹ đất,... để sẵn sàng lấn sân sang những lĩnh vực mới giàu tiềm năng.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên