MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hành trình ngược dòng Mê Kông ở thủ phủ dừa của Việt Nam

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, ngọt tự nhiên, không sử dụng đường đang thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân và người chế biến dừa trong việc tạo nên những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nhờ hành trình ngược dòng Mê Kông của các chuyên gia, nước dừa không còn là phụ phẩm phải bán thô.

Giải khát với nước dừa là nhu cầu của nhiều người. Trái dừa tươi cũng xuất hiện ở nhiều hàng quán khắp Việt Nam. Nhưng ít ai biết được những câu chuyện phía sau loại nước trong, ngọt thanh ấy.

Nước dừa từng là phụ phẩm

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam không phải nước có diện tích trồng dừa lớn nhất. Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam đạt tới 9.000 trái/ha/năm, hơn gấp đôi Indonesia và Philippines (4.000 trái/ha/năm). Với chỉ 70.000 ha, khoảng 35% diện tích đất trồng dừa của Việt Nam, tỉnh Bến Tre đã cung cấp tới 600 triệu trái mỗi năm và được ví như thủ phủ dừa của Việt Nam.

Đến với Bến Tre, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những ngôi nhà thấp tầng ẩn hiện sau hàng dừa. Cây dừa ở đây cao lớn, cho trái to, cơm dày. Đó là nhờ điều điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất được tạo thành từ 3 dãy cù lao, bồi đắp bởi sông Mê Kông. Lượng bức xạ mặt trời lớn với số giờ nắng từ 1.400 – 3.000 giờ/năm, lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 – 2.000 mm cũng là điều kiện thích hợp với sự sinh trưởng của cây dừa. Mặc dù vậy, Bến Tre vẫn là một tỉnh nghèo và rất hiếm những ngôi nhà mới xây cao hơn tán cây dừa.

Hành trình ngược dòng Mê Kông ở thủ phủ dừa của Việt Nam - Ảnh 1.

Việc gia tăng giá trị từ trái dừa trở thành nhu cầu cấp thiết, kéo theo đó là sự thành lập của các cơ sở chế biến dừa trong tỉnh. Cơm dừa nạo sấy, bột dừa, sữa dừa, nước cốt dừa, dầu dừa, bơ dừa là một vài sản phẩm được chú trọng. Trong khi phần cơm dừa được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, thì các sản phẩm dầu dừa lại được ngành mỹ phẩm ưa chuộng và có tiềm năng xuất khẩu.

Điểm chung của những sản phẩm giá trị cao là đều được chế biến từ phần cơm dừa. Nước dừa thường bị coi là phụ phẩm vì giá trị thấp. Vì vậy, nhà máy sẽ bán thô nước dừa cho các cơ sở nhỏ hơn và chỉ giữ lại phần cơm dừa để chế biến. Nhiều năm trôi qua, trái dừa vẫn được phân tách như thế sau khi lênh đênh trên con thuyền xuôi dòng Mê Kông vào nhà máy chế biến.

Ngược dòng Mê Kông để thay đổi cách canh tác cây dừa

Thực tế, người tiêu dùng ở nhiều vùng vẫn có nhu cầu sử dụng nước dừa tươi. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn sản phẩm ngọt tự nhiên, không sử dụng đường. Ước tính, thị trường nước giải khát có nguồn gốc từ dừa sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2021. Trong bối cảnh đó, Coca-Cola cũng đã có bước chuyển mình với việc giới thiệu sản phẩm nước dừa đóng chai Zico. Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu của câu chuyện.

"Người tiêu dùng rất thích sử dụng những sản phẩm hữu cơ (organic). Việc được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn organic cũng giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn trong các hệ thống Costco, Wallmart tại Mỹ" – đại diện Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới chia sẻ.

Hành trình ngược dòng Mê Kông ở thủ phủ dừa của Việt Nam - Ảnh 2.

Ươm dừa giống theo phương pháp canh tác hữu cơ

Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch, hoàn toàn tự nhiên của người tiêu dùng, Lương Quới đã liên kết với nông dân, cùng tạo nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ cho chế biến. Các hộ nông dân đồng ý tham gia thực hiện phương pháp canh tác hữu cơ sẽ được hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia của công ty. Việc sử dụng phân bón hóa học bị hạn chế, thay vào đó là phân xanh từ lá cây, mùn và phân động vật. Ong ký sinh được nuôi để giúp diệt bọ dừa, thay vì phun thuốc bảo vệ thực vật như trước đây.

Người nông dân được giải thích rằng, người tiêu dùng muốn trải nghiệm sản phẩm thật sự tự nhiên, trong khi người sản xuất tránh được phơi nhiễm hóa chất khi canh tác theo phương pháp hữu cơ. Qua nhiêu lần ngược dòng Mê Kông đến khu vực huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), người Lương Quới đã thuyết phục được hàng trăm hộ nông dân chọn canh tác theo phương pháp hữu cơ. Đến nay, tổng diện tích trồng dừa hữu cơ đã đạt mức 20.000 ha, 30% trái dừa nguyên liệu nhập vào nhà máy đạt chuẩn hữu cơ.

Hành trình ngược dòng Mê Kông ở thủ phủ dừa của Việt Nam - Ảnh 3.

Dây chuyền đóng lon sản phẩm nước cốt dừa

Song song với việc xây dựng vùng nguyên liệu, nước dừa đã được coi là nguyên liệu quan trọng trong chế biến. Khoản đầu tư vào hệ thống tiệt trùng UHT và hệ thống đóng bao bì giấy Tetrapak là hành động cụ thể nhằm nâng cao giá trị của loại phụ phẩm từng bị bán thô trước đó. Không chỉ chinh phục thị trường nước ngoài, sản phẩm nước dừa organic đóng trong hộp giấy của Lương Quới đã được nhiều siêu thị trong nước nhập về và bày bán bên cạnh những loại nước giải khát từ các thương hiệu nước ngoài.

"Sau 2 năm đẩy mạnh chế biến và sản xuất sản phẩm organic, doanh thu của công ty đã tăng tới 30%, đạt mức 800 tỷ đồng trong năm 2017. Sản phẩm hữu cơ không chỉ có giá trị cao, tiêu thụ dễ dàng tại các thị trường khó tính mà còn giúp tăng thu nhập của nông dân. Nông dân hiểu rằng lợi ích của họ chỉ được đảm bảo khi canh tác theo phương pháp hữu cơ. Ngày càng nhiều nông dân muốn chung sức với công ty để tạo nên những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng" – đại diện Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới cho biết.

Hành trình ngược dòng Mê Kông ở thủ phủ dừa của Việt Nam - Ảnh 4.

Các thuyền thu mua dừa nguyên liệu

Xơ dừa, phế phẩm trong quá trình chế biến đã được chuyển sang nhà máy sản xuất thảm và lưới. Nhà máy này đối diện công ty và cùng nằm trong khu công nghiệp An Hiệp, tỉnh Bến Tre.

Hàng ngày, các chuyên gia của Lương Quới vẫn ngược dòng Mê Kông từ nơi đây để vận động và hướng dẫn nông dân tham gia canh tác theo phương pháp hữu cơ. Để rồi, những trái dừa organic sau thu hoạch lại xuôi dòng Mê Kông vào nhà máy chế biến ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Người dân địa phương coi dừa là "Cây của sự sống", còn tại nhà máy chế biến, hoạt động sản xuất gắn với bảo vệ môi trường được người Lương Quới gói gọn trong tiêu ngữ "Sản phẩm sạch, thế giới xanh".

An Bình

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên