Hạt gạo “gánh” nhiều tin đồn!
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng trong nước lại thường xuất hiện thông tin xấu về chất lượng nông sản này khiến không ít người lo ngại
- 06-04-2016Gạo Việt Nam từng bước tiến vào thị trường châu Âu
- 06-04-2016Nông dân Nhật hướng tới sản xuất thóc gạo giá rẻ để xuất khẩu
- 28-03-2016Gạo Việt mập mờ ở Trung Quốc, bát nháo nội địa
- 19-03-2016Đắt như “tôm tươi”, lúa gạo được thương lái gom hết
Mới đây nhất, ở TP HCM rộ tin “gạo lạ” sau khi nấu; để qua đêm, cơm từ màu trắng chuyển sang đỏ quạch như nhuộm phẩm màu gây xôn xao dư luận.
Bán nửa tấn gạo nhưng 1 trường hợp phàn nàn
Cuối tháng 3-2016, mang cho hàng xóm xem tô cơm có màu đỏ đậm khác thường, ông Trần Quang T. (ngụ ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM) cho rằng đây là cơm ông nấu để qua 2 ngày. Gạo ông mua cách đó 3 tuần, giá 18.000 đồng/kg tại một cửa hàng gần chợ Bình Chánh nhưng thường ngày, do ăn hết cơm nên không phát hiện bất thường.
Ngay sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM đã lập đoàn thanh tra, đến nơi để xác minh sự việc. Lúc đó, có người trong xóm còn cho rằng gạo ông T. mua “lạ lắm, cơm không bị dính tay”.
Từ thông tin nơi bán do ông T. cung cấp, cơ quan chức năng đến thanh tra cửa hàng gạo của ông V.Đ.Th (gần chợ Bình Chánh). Lúc này, chủ cửa hàng cũng tỏ ra quá mệt mỏi với dư luận. Ông Th. cho biết loại gạo ông T. mua có tên là Đài Loan cũ (theo cách gọi của thị trường chứ không phải gạo ngoại, được trồng ở Tiền Giang) với giá bán lẻ 14.000 đồng/kg. Ông Th. cũng bất ngờ trước phản ánh của khách hàng vì đây là loại gạo gia đình ông nấu ăn mỗi ngày. Cùng lô hàng bị phản ánh, ông đã bán gần 500 kg nhưng không thấy ai phàn nàn.
Ông Ngô Công Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây, cho biết đây là trường hợp duy nhất tại địa phương thông báo về hiện tượng trên.
Để làm rõ thực hư, Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM đã lấy 5 mẫu gạo, trong đó có mẫu tại cửa hàng của ông Th., để kiểm tra 89 chỉ tiêu thuộc 5 nhóm hóa chất nhưng không phát hiện tồn dư. Chi cục lấy gạo tại nhà ông T. và gạo cùng lô hàng tại cửa hàng để nấu và để 2 ngày cũng không ghi nhận sự bất thường nào.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, khẳng định: “Gạo được kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, không bị tẩm hóa chất lạ. Còn nguyên nhân khiến cơm tại nhà ông T. chuyển sang màu đỏ, chúng tôi chưa thể kết luận do cơ quan công an địa phương đang thụ lý” - bà Cúc nói.
Trước đó, một cơ quan truyền thông đã lấy mẫu gạo tại nhà ông T. để kiểm định tại một phòng thí nghiệm ở TP HCM. Kết quả: mẫu kiểm không chứa hóa chất lạ, không có hiện tượng đổi màu (so với màu tự nhiên của gạo và cơm) sau khi nấu chín.
Từ asen đến gạo giả (?)
Năm 2015, ngay sau khi xuất hiện thông tin gạo nhiễm thạch tín (asen), Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM đã lấy 9 mẫu gạo phổ biến trên thị trường kiểm tra và cũng không phát hiện chất độc này. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, thông tin gạo chứa thạch tín có từ năm 2012 khi một số nhà khoa học Mỹ công bố nghiên cứu và báo cáo lên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của họ. Theo đó, sau khi phân tích 1.300 mẫu sản phẩm gạo và lúa, FDA xác định mức độ asen là “quá thấp để gây ra bất kỳ tác dụng phụ ngay lập tức hoặc ngắn hạn đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Asen là chất độc có trong tự nhiên nên cây trồng có khả năng bị nhiễm. Vì vậy, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế quy định hàm lượng tối đa asen trong gạo là 0,2 mg/kg. Tại Việt Nam, theo Quyết định 46 năm 2007 của Bộ Y tế, giới hạn tối đa của asen đối với ngũ cốc là 1 mg/kg.
Ngoài những nghi vấn về mất an toàn thực phẩm, từ năm 2010 trở lại đây, thị trường còn xuất hiện nhiều thông tin về gạo giả. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy gạo giả trên thị trường.
Quá vô lý!
Theo BS Trần Văn Ký - phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam - người tiêu dùng không nên hoang mang với những thông tin như gạo nấu cơm đổi màu hay để không thiu. Gạo là thực phẩm để ăn hằng ngày, nếu có sự cố mà nguyên nhân do gạo thì chắc chắn phải xảy ra đồng loạt với rất nhiều người, chứ không thể đơn lẻ. Do vậy, nguyên nhân xảy ra hiện tượng bất thường có thể do quá trình nấu, bảo quản.
Trong khi đó, giám đốc một công ty xuất khẩu gạo ở Bến Tre khẳng định gạo giả chỉ là tin đồn, chưa ai thấy trên thị trường. Gạo làm từ nhựa, khoai tây là hết sức vô lý bởi 2 nguyên liệu này đắt hơn nhiều lần so với gạo.
Do chủ yếu mua gạo xá, không có nhãn hiệu, khó truy xuất nguồn gốc nên càng có cớ cho người tiêu dùng lo lắng mỗi khi có tin đồn.
Người Lao Động