Hậu cổ phần hóa là gì?
Câu chuyện hậu IPO mới là quan trọng nhất chứ không chỉ là kết quả số lượng DNNN cổ phần hóa.
Cổ phần hóa DNNN đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có từ trước đến nay, sau những Vissan, Vietnam Airlines, ACV, IDICO, Thalexim, và sắp tới đây là Becamex IDC, PV Oil, PV Power, Genco 3, hay Tập đoàn cao su Việt Nam (VGR)…cũng dự kiến sẽ nối gót tiến hành IPO trong cuối năm nay. Điều đó phần nào thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc trao trả lại vai trò dẫn dắt nền kinh tế cho khối doanh nghiệp tư nhân.
Cổ phần hóa chưa thực chất?
Có thể nói, sức hút của các thương vụ IPO trong năm qua là rất lớn và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, thậm chí đặt mua giá rất cao so với giá khởi điểm. Những trường hợp như Vissan, IDICO, hay Thalexim mới đây là những ví dụ điển hình. Hay những trường hợp thoái vốn của Vinamilk, Sabeco, Vietnam Airlines cũng nhận được sự quan tâm rất lớn.
Tuy vậy, nếu nhìn vào mục tiêu của cổ phần hóa được Chính phủ đặt ra là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả sang khu vực sử dụng hiệu quả; giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước; tạo khả năng thu hút vốn, kỹ thuật, công nghệ mới; thúc đẩy phát triển hoàn thiện thị trường vốn thì những kết quả đạt được những năm qua được giới quan sát đánh giá là một bức tranh chưa đầy đủ, thậm chí che đậy thực trạng.
Bởi theo báo cáo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây thì tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài vào cổ phần hóa DNNN đến nay chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (so với kế hoạch là 15,8%). Rất nhiều các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chưa thu hút được cổ đông chiến lược.
Câu chuyện làm sao để huy động nguồn lực từ bên ngoài tham gia mạnh hơn nữa vào các DNNN sau cổ phần hóa? Làm sao để thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phát huy vai trò huy động vốn và tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn, giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng là việc được các chuyên gia đem ra thảo luận rất thường xuyên trong thời gian vừa qua.
Hậu IPO mới là câu chuyện quan trọng nhất
Để thu hút các nhà đầu tư, bên cạnh câu chuyện kỹ thuật về quy định về Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán và các quy trình giảm thiểu thủ tục, tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài tiếp cận thị trường một cách thuận lợi. Vấn đề nội tại của một DN được các chuyên gia xác định là quan trọng nhất trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tham gia hội thảo “Thị trường vốn - Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế” do CTCK Sài Gòn (SSI) tổ chức mới đây, ông Jeffrey Y. Matsutomo – Giám đốc phục trách dịch vụ NH đầu tư & thị trường vốn của Daiwa Capital cho rằng: IPO mới chỉ là sự khởi đầu chứ không phải là kết thúc.
“Câu hỏi lớn nhất của một DNNN thời hậu IPO là gì? Sau khi huy động vốn, chúng ta sẽ phải làm những gì? Đặc biệt là các DNNN bây giờ trở thành công ty cổ phần đại chúng, anh phải tuân thủ luật chơi, phải công bằng với cổ đông thiểu số. Các DNNN phải thay đổi cách nghĩ. Phải nghĩ đến việc làm cách nào để tạo ra mức sinh lợi tốt nhất cho cổ đông hậu IPO là một câu hỏi rất quan trọng mà công ty phải tự đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết vấn đề đó”, ông Jeffrey nói.
Thế nhưng, thực tế hiện đã bao nhiêu DNNN sau IPO xem quyền lợi cổ đông thiểu số? Sự khác biệt về ngôn ngữ, khác biệt về tư duy của lãnh đạo DNNN và các nhà đầu tư đang là một rào cản rất lớn khiến các DNNN chậm chuyển mình thời hậu IPO. Nhiều ý kiến cho rằng, đa phần DNNN hậu IPO vẫn ‘khép kín’ với các nhà đầu tư, tiếng nói cũng như sự đóng góp của các nhà đầu tư vào quản trị doanh nghiệp là rất hạn chế.
Ông Đỗ Trọng Quỳnh – Tổng giám đốc Vinaconex cũng cho rằng những cơ chế của DNNN khiến DN bị ràng buộc, không ‘bung’ ra được. Theo câu chuyện tại chính Vinaconex, ông Quỳnh cho rằng chỉ khi nào DNNN được tư nhân hóa 100% thì những yếu kém từ DNNN mới dần được gỡ bỏ.
Thế nhưng, câu chuyện DN chây ì trong việc bán vốn nhà nước, chậm trễ kéo dài năm này qua năm khác. Đơn cử như trường hợp Sabeco đã nhiều lần bị Bộ tài chính nhắc nhở về việc thoái vốn nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
Không những vậy, nhiều DNNN sau khi hoàn tất IPO chỉ xem việc đăng ký giao dịch trên sàn UpCom như là trách nhiệm. Một nhà quản lý quỹ quy mô vài trăm triệu USD tại Việt Nam từng bày tỏ sự bức xúc của mình rằng, vì sao DN lớn, tên tuổi như vậy lại không chịu lên niêm yết mà ‘núp’ ở UpCom? Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài ủy thác đầu tư vào quỹ của họ.
Theo ông Jeffrey, giá cổ phiếu trên thị trường cũng là một chỉ báo để các NĐT đánh giá hiệu quả khi mua cổ phần của một DN. Bởi lẽ, một doanh nghiệp có giá cổ phiếu phải có thanh khoản thì các nhà đầu tư mới cân nhắc rót tiền vào công ty.
Nhưng rõ ràng, những DN chỉ hở hơn 1% cổ phiếu như Sabeco, hay chưa đầy 5% như BIDV, Vietnam Airlines thì làm sao thị trường có thể phản ánh đầy đủ giá trị DN? Thậm chí cổ phiếu Sabeco đang gây ‘nhiễu’ TTCK VN khi chỉ một mình cổ phiếu SAB góp đến 44,7 điểm tăng vào Vnindex kể từ khi lên sàn tháng 9/2016.
“Dòng tiền sẵn sàng từ nhà đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK Việt Nam có thể tăng gấp 10 lần quy mô hiện tại, nhưng đó là nói về lý thuyết. Trong thực tế đầu tư, vốn ngoại gặp ngay nhiều rào cản mà nhà đầu tư không thể tự xử lý được", một nhà đầu tư đến từ Mỹ đã chia sẻ tại cuộc hội thảo phát triển thị trường vốn vừa qua.
Theo kinh nghiệm từ Pakistan, muốn đẩy nhanh tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán cần phải có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của Trung ương cùng tham gia với các nhà chuyên trách. Khi cả bộ máy cùng hướng đến mục tiêu chung thì mới có thể rút ngắn thời gian ra quyết định, nhanh chóng đưa thị trường vốn Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, thực hiện đúng mục tiêu cổ phần hóa mà Chính phủ đặt ra.