MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu tranh cãi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương gợi ý 6 hình phạt không gây áp lực cho trẻ: Các con ngoan hơn mà không tổn hại gì

06-10-2021 - 14:27 PM | Sống

Hậu tranh cãi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương gợi ý 6 hình phạt không gây áp lực cho trẻ: Các con ngoan hơn mà không tổn hại gì

Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã có những chia sẻ về "nghệ thuật thưởng phạt".

Mới đây, ý kiến " Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt " của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội nhận về rất nhiều luồng tranh cãi. Dư luận chia làm 2 phe, có người đồng tình, lại có người phản bác.

Trả lời báo chí sau đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, nhiều người khi nói đến hình phạt thường hay nghĩ luôn đó là "đánh, mắng, chửi". Nhưng hình phạt mà chị muốn đề cập tới HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI VẬY!

Cụ thể, nữ Tiến sĩ cho biết: "Có rất nhiều kiểu hình phạt. Thậm chí trong hành động tra tấn, bạo hành trẻ nhiều khi chưa hẳn là hình phạt. Chẳng hạn bố mẹ cáu lên đánh con, đó là sự trút giận. Những hành động gây tổn hại đến thể chất và tinh thần sức khỏe của trẻ, là bạo hành. Còn những hành động không gây bất cứ tổn hại gì cho đứa trẻ, tại sao lại gọi là hình phạt?

Hậu tranh cãi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương gợi ý 6 hình phạt không gây áp lực cho trẻ: Các con ngoan hơn mà không tổn hại gì - Ảnh 1.

Khi con đánh bạn, nhà giáo dục đưa hình phạt để giáo dục trẻ đơn giản có thể là bắt chép phạt. Con phải chép nhiều hơn các bạn trong lớp một trang vở. Nếu học sinh đó chép nhiều hơn các bạn khác trong lớp một trang, tôi nghĩ không vấn đề gì về cả tâm lý lẫn sức khỏe.

Thế nhưng tác dụng của hình phạt đó đưa đến cho đứa trẻ có thể rất lớn. Lần sau cứ mỗi lần đánh bạn, nghĩ lại hình thức phải chép phạt trong giờ đáng ra được chơi, đứa trẻ sẽ không dám đánh bạn nữa".

Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã có bài viết chia sẻ về "nghệ thuật thưởng phạt", trong đó có gợi ý những hình phạt giúp trẻ cải thiện hành vi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần. Nữ Tiến sĩ cũng cho biết, bản thân từng áp dụng những hình phạt này với con gái và nhận được kết quả rất tích cực. Con gái chị không hề ghét mà luôn yêu thương, cũng như ủng hộ cách giáo dục của mẹ.

Được sự đồng ý của Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chúng tôi xin được chia sẻ lại quan điểm của chị dưới đây:

Trước hết, các bố mẹ và thầy cô giáo à, muốn thưởng phạt phân minh, chúng ta cần có 1 số nguyên tắc sau:

1. Xây dựng luật lệ: Ban đầu có thể chỉ là 3, 4 điều luật nhỏ như: Ai không đánh răng thì sẽ bị mất quyền lợi gì đó, bạn nào nói to trong giờ học không xin phép sẽ phải ngồi ghế xấu,... rồi tăng dần. Các điều luật đều phải được phổ biến đến từng thành viên trong gia đình hoặc lớp học.

2. Luật sẽ công bằng với tất cả mọi thành viên: Bố sai cũng bị phạt, cô giáo sai thì cũng phải ngồi ghế xấu,... Cách ứng xử công bằng sẽ được thể hiện rõ nếu hôm nào đó người lớn phạm lỗi (nếu không thì cố tình phạm 1 cái cho trẻ thích) và bị phạt. Tôi đã từng tự phạt bản thân không được đi chơi do lỗi nói dối con gái. Nó rất cảm thông với mẹ mặc dù cười hết sức khoái chí.

Hậu tranh cãi, Tiến sĩ Vũ Thu Hương gợi ý 6 hình phạt không gây áp lực cho trẻ: Các con ngoan hơn mà không tổn hại gì - Ảnh 2.

3. Không có bất kể ngoại lệ nào thì trẻ sẽ vui lắm: Thế nhưng nếu em bé dưới 1 tuổi hoặc ông bà quá lớn tuổi thì có thể xếp vào dạng "Bình vôi". Tụi trẻ chắc chắn sẽ chấp nhận điều đó. Ngoài ra, bố mẹ mạnh khỏe thì không nên được xếp "bình vôi", điều phi lý đó trẻ không chấp nhận đâu.

4. Không xâm phạm vào thân thể và danh dự của bất kể ai.

5. Khen các con chứ đừng thưởng: Hình thức khen như sau: "Sao các bạn cứ ngoan hơn bác Hương thế, bực ghê", "Đề nghị các bạn đừng ăn nhanh quá mà bác Hương thua thì buồn lắm",... làm lũ trẻ cười sằng sặc và cố gắng hơn nhiều đấy.

Dưới đây là các hình phạt không gây ra áp lực cho trẻ. Phụ huynh và thầy cô đều có thể áp dụng và chắc chắn sẽ thấy hiệu quả dù nó không ảnh hưởng gì đến trẻ:

1. Ngồi ghế xấu hoặc úp mặt vào tường: Đừng nghĩ tụi nhỏ mới sợ, lớn thì thôi nhé. Tôi đã từng phạt 2 anh cao 1m8, mỗi anh 1 góc. Phạt cái là sợ, năn nỉ: "Bác ơi, xấu hổ quá, bác đổi hình phạt giúp cháu với". Kệ nhé, phạt cho đủ số là lần sau khỏi phải nhắc, các bạn ấy tử tế lắm.

2. Chép phạt: Lứa tuổi từ lớp 1 trở lên có thể chép vô tư rồi. Chép phạt chẳng ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Thậm chí, chép phạt còn làm trẻ rèn chữ tốt hơn. Hãy chọn 1 câu răn đe phù hợp nào đó như: "Đi học muộn là rất xấu xí" để dành cho tội đi học muộn. Nếu chép phạt 2 trang như vậy, bạn ấy sẽ nhớ lắm cái tội danh mà mình đã phạm phải.

3. Lao động: Dọn dẹp phòng học, quét sân trường, lau tủ bếp,... - những hình thức phạt hết sức phù hợp với các bạn trẻ. Vậy tại sao không phạt nhỉ?

4. Tập thể dục: Đứng lên ngồi xuống khoảng 10 cái, đi cầu thang 1, 2 tầng là chuyện nhỏ nhưng nó mang danh hình phạt thì cũng "đáng sợ" phết. Các bạn dù lớn hay bé cũng làm được món này.

5. Tịch thu quyền lợi: Nếu cả lớp được ăn kẹo, mà những bạn nói chuyện ồn ào không được ăn thì cũng xót xa lắm. Cả nhà ăn kem còn bạn không hoàn thành bài học phải ngồi nhìn thì còn hình phạt nào đau đớn bằng. Con gái tôi đã từng bị ở nhà khi mẹ đi đám cưới. Sau 2h khóc liên tục và 1 năm sau nghĩ lại vẫn khóc thì nàng ấy tuyên bố: Đây là hình phạt "đau đớn" nhất đời nàng.

6. Cho nghỉ học: Nếu bạn nào đó lười học và không hoàn thành bài học thì có thể cho bạn ấy tạm thời nghỉ học. Đừng nghĩ trẻ ghét đi học. Không đâu, các con chỉ ghét học chứ rất thích đi học vì đó là thế giới của các con. Vậy nên, nếu cần, cho các chàng/ nàng nghỉ 1 vài ngày không hẹn lúc nào sẽ tha thứ cho đi học lại thì các chàng/ nàng sẽ sợ lắm!

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên