MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu trường ly hôn "căng như dây đàn" của giới siêu giàu Mỹ

23-04-2017 - 17:12 PM | Sống

Ly hôn vốn đã lắm chuyện phức tạp nhưng ly hôn với giới siêu giàu ở Mỹ càng phức tạp hơn gấp bội bởi những vấn đề liên quan đến tài sản.

Tỷ phú Mark Pincus, nhà sáng lập Zynga - Tập đoàn phát triển Game lớn ở Mỹ có trụ sở chính ở San Francisco, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đau đầu khi muốn ly hôn với vợ, bà Alison Gelb Pincus, đồng sáng lập công ty One Kings Lane chuyên về nội thất nhà.

Cặp đôi kết hôn năm 2008, một năm sau khi Mark sáng lập Zynga. Zynga đã phát triển nhanh chóng, 4 năm sau kể từ khi thành lập, Zynga đã nắm trong tay cả tỷ đô la.

Mark và vợ có một hợp đồng tiền hôn nhân , nhưng khi ly hôn bà Alison đề nghị toà huỷ hợp đồng này vì cho rằng giá trị tài sản của Mark đã tăng lên rất nhiều trong suốt cuộc hôn nhân của họ.

Tỷ phú Mark Pincus.

Tỷ phú Mark Pincus.

Việc phân chia tài sản khi ly hôn quả không phải chuyện dễ dàng, đặc biệt là ở thung lũng Silicon, phía Nam của vùng vịnh San Francisco, Bắc California, nơi tập trung giới siêu giàu Mỹ.

Cả hai vợ chồng đều nắm trong tay tài sản kếch xù, đều có “máu mặt”, có khả năng thuê luật sư giỏi và không chấp nhận “giá rẻ”. Vì thế mà các cuộc thương lượng khi ly hôn trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Có lẽ vì lý do này mà nhà sáng lập Snapchat, tỷ phú 26 tuổi - Evan Spiegel phải cân nhắc kỹ càng về hợp đồng tiền hôn nhân khi muốn kết hôn với siêu mẫu Miranda Kerr.

Evan đang nắm trong tay 4 tỷ đô la và phần lớn tài sản này nằm ở cổ phần của Evan ở Snapchat, số tiền này sẽ an toàn nếu hôn nhân của họ không bao giờ tan vỡ.

“Mọi người đến thung lũng Silicon, kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có nên họ không còn muốn người vợ hay người chồng đã kết hôn trước đó nữa. Tiền thay đổi mọi thứ”, Michael Pascoe, luật sư của một văn phòng luật ở Thung lũng Silicon, cho biết.

Ở thung lũng Silicon, bất cứ cái gì liên quan đến chữ “tiền” đều trở nên phức tạp. Theo luật của bang California, bất cứ tài sản gì bạn sở hữu trước khi kết hôn là tài sản của bạn.

Nhưng bất cứ tài sản nào có được hoặc thu nhập có được trong suốt cuộc hôn nhân được định là “tài sản chung” và khi ly hôn, luật định số tài sản này sẽ chia đều cho cả hai bên vợ và chồng.

Vì lý do này mà nhiều cặp trước khi kết hôn đều làm hợp đồng tiền hôn nhân quy định các điều khoản rõ ràng khi họ ly hôn .

Luật sư Mark Ressa, chuyên đại diện cho các thân chủ giàu có, từ tỷ phú đến các nhà sáng lập công nghệ mới khởi nghiệp, cho biết, rất nhiều cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi đầu 30 tìm đến luật sư để làm hợp đồng tiền hôn nhân.

“Nhiều người trẻ giàu có tìm đến hợp đồng tiền hôn nhân vì họ muốn tiền trong túi mình an toàn”, vị luật sư nói.

“Rất nhiều người ở thung lũng Silicon gây dựng được cơ nghiệp, trở nên giàu có có trước khi kết hôn. Bởi để thành công, họ phải tập trung cho công việc, không có thời gian để hẹn hò”, luật sư Jeffrey Verdon, chuyên hỗ trợ các cặp đôi giàu làm hợp đồng tiền hôn nhân cho biết.

Dù có hợp đồng tiền hôn nhân nhưng nhiều trường hợp ly hôn, người có tài sản ít hơn luôn muốn kiếm lời từ vợ/chồng giàu có của mình nên các vụ ly hôn thường không diễn ra một cách êm ả.

Các cuộc ly hôn của giới siêu giàu không hề êm ả.

Các cuộc ly hôn của giới siêu giàu không hề êm ả.

Đối tác ít tiềm lực kinh tế hơn đều thường đòi hỏi nhiều hơn bởi họ nghĩ người bạn đời giàu có của mình sẽ sẵn sàng chịu chi để nhanh chóng thoát khỏi rắc rối.

Lý do để họ nghĩ như vậy là vì một khi đơn ly hôn được đệ lên toà thì tài sản của cả hai bên sẽ bị đóng băng cho đến khi đạt được thoả thuận. Điều này có thể khiến người nắm trong tay khối tài sản lớn bực bội bởi họ sẽ không thể dùng tiền của mình. Trong khi việc kiện tụng có thể kéo dài đến vài năm.

Luật sư Verdon cho biết, một trong các khách hàng của ông sở hữu cổ phiếu trị giá hàng tỷ đô la nhưng không thể động tới khoản tiền này cho đến khi đạt được thoả thuận ly hôn với vợ. Nếu không chấp nhận các thoả thuận, luật sư của bà vợ sẽ kéo dài vụ ly hôn trong vòng 5 năm.

Điều đó khiến một số người cố gắng tái cấu trúc công ty hoặc giấu tiền của họ ở chỗ khác, dù luật định cả hai vợ chồng phải có nghĩa vụ công khai tài sản và thu nhập.

Nhưng việc giấu tài sản không phải là cách hay bởi một khi bị phát hiện, bạn sẽ phải trả giá rất đắt.

Luật sư Raquel Sefton ở San Francisco kể về trường hợp một phụ nữ tên Denise Rossi đệ đơn ly hôn với chồng bà là Thomas Rossi năm 1999.

Bà đã không khai với toà rằng bà trúng sổ số độc đắc lên tới 1.3 triệu đô la (hơn 29 tỷ đồng) trước khi đệ đơn ly hôn lên toà 11 ngày. Khi thẩm phán phát hiện ra sự thật, ông đã quyết định toàn bộ số tiền này thuộc về người chồng.

Theo Kim Minh

Vietnamnet

Trở lên trên