MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ con số lợi nhuận, nợ xấu của Sacombank

16-01-2022 - 12:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Hé lộ con số lợi nhuận, nợ xấu của Sacombank

Sau "khủng hoảng" hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, giá cổ phiếu STB của Sacombank có nhiều thời điểm đã rớt xuống dưới mệnh giá giai đoạn 2018-2019. Đến thời gian gần đây, STB bứt phá mạnh mẽ và vừa lập đỉnh hôm 14/1/2022.

Tại Kỷ yếu kỷ niệm 30 năm thành lập của Sacombank, ngân hàng cho biết hoạt động kinh doanh ghi nhận nhiều kết quả ấn tượng. 

Năm 2006, Sacombank là ngân hàng thương mại đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Khi đó, tổng tài sản của ngân hàng khoảng 25.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, con số này dự kiến tăng lên hơn 515.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Sacombank đạt hơn 3.300 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với năm 2006. Đáng chú ý, trong năm 2021, bất chấp khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 4.400 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động ngân hàng đang giảm đáng kể, CIR năm 2021 khoảng 36,2% và dự kiến năm 2022 giảm xuống còn 34,2%. 

Tuy nhiên, thành tựu trong việc xử lý nợ xấu, cải thiện chất lượng tài sản mới thực sự là điểm ấn tượng nhất tại Sacombank. 

Năm 2017, ngân hàng thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, một mặt đưa Sacombank trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong hệ thống, nhưng mặt khác chất lượng tài sản xuống dốc không phanh. Thời điểm năm 2018, tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng lên gần 96.579 tỷ đồng. Hầu hết các khoản này đến từ Ngân hàng Phương Nam, có tính chất phức tạp cao và mang tính hệ thống. 

Năm 2017, Sacombank cũng đã thành lập Khối Xử lý nợ, một đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Tổng Giám đốc, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị. Đơn vị được thành lập với sứ mệnh trực tiếp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng nhằm sớm hoàn thành kế hoạch đã đề ra theo Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt. 

Kết quả luỹ kế từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý/thu hồi gần 71.500 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó có 58.171 tỷ đồng thuộc Đề án. Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%.

Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.

Hé lộ con số lợi nhuận, nợ xấu của Sacombank - Ảnh 1.

Trong hệ thống, hiện Sacombank là ngân hàng đứng thứ 6 về quy mô tổng tài sản, đứng thứ 5 về thị phần thẻ ngân hàng, chỉ sau nhóm "Big 4". Đến cuối tháng 11/2021, chiến dịch 10 triệu khách hàng của Sacombank đã đạt mục tiêu đặt ra với mức tăng trưởng gần 143% so với năm 2020, trong đó phân khúc khách hàng mới phát sinh trên nền tảng giao dịch số tăng ấn tượng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB liên tục đứng đầu thanh khoản trong nhóm ngân hàng thời gian gần đây và vừa thiết lập đỉnh mới hôm 14/1/2022 với giá 35.000 đồng/cp. Trước đó, sau "khủng hoảng" hậu sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, giá cổ phiếu STB có nhiều thời điểm đã rớt xuống dưới mệnh giá giai đoạn 2018-2019. 

Thu Thuỷ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên