MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ nguyên nhân TQ "chịu đòn" của Trump: Không nghe lời khuyên từ cựu Ngoại trưởng Mỹ?

21-12-2019 - 21:32 PM | Tài chính quốc tế

Hai năm trước, khi ông Trump bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử, Trung Quốc đã viện đến Kissenger để tìm lời khuyên. Thông điệp chính được đưa ra vào lúc đó là: "Tránh đối đầu".

"Tránh đối đầu"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cánh tay phải của ông, Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, đã tìm kiếm lời khuyên từ cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson.

Đây đều là những người được cho đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa 2 nước. Trong quá khứ, cả 2 đã đến thăm Trung Quốc hơn 150 lần.

Một sự thật là sau 2 năm kể từ ông Trump lên nắm quyền Tổng thống, Bắc Kinh vẫn chưa thể tìm ra một nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất định tới Nhà Trắng. Trong bối cảnh này, Kissinger, hiện đã 95 tuổi, được mời tới Bắc Kinh vào trung tuần tháng 11 để đưa ra những lời khuyên cho giới chóp bu Trung Quốc.

Chính khách này đã đóng vai trò quyết định trong việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Trung, khi ông thực hiện chuyến thăm bí mật đến Trung Quốc vào năm 1971, qua đó mở đường cho chuyến công du chính thức của Tổng thống Richard Nixon 1 năm sau đó.

Những nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thời điểm đó, bao gồm Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai, đều đã qua đời 5 năm sau chuyến thăm của Nixon.

Trong 2 ngày 8 và 10/11, Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc lần đầu đăng tải thông tin về chuyến thăm của ông Kissinger, trong đó nhắc đến cuộc gặp của ông với ông Tập Cận Bình, và sau đó là với Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn.

2 năm trước, khi ông Trump bất ngờ chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống, Bắc Kinh đã viện đến Kissenger để tìm lời khuyên, khi trước đó, chính ông Kissenger đã gặp ông Trump để thảo luận về các quan điểm đối ngoại. Sau khi đến Bắc Kinh, ông Kissenger đã có cuộc nói chuyện với cả ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn, đồng thời đưa ra những lời khuyên về cách ứng xử với Tổng thống Trump.

Thông điệp chính được đưa ra vào lúc đó chính là: "tránh đối đầu".

Trung Quốc không tiếp thu lời khuyên?

Tuy nhiên, kể từ đó, mối quan hệ Mỹ - Trung đã gần như lao dốc không phanh trước sự bất ngờ của những người liên quan. Mà lý do chính là bởi các lãnh đạo Trung Quốc đã không hoàn toàn thực hiện, hay hiểu rõ lời khuyên của Kissinger.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình khi đó đã tuyên bố Trung Quốc với "sức mạnh vĩ đại" sẽ sớm thay vị trí của Mỹ trên trường quốc tế sớm nhất là vào 2035.

Tuyên bố đó của ông Tập Cận Bình được coi như một mục tiêu chính trị đối nội, thay vì muốn khởi xướng một cuộc đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã ngay lập tức có những phản ứng mạnh mẽ.

Vài ngày trước chuyến thăm của ông Kissinger tới Bắc Kinh, tỷ phú Bloomberg đã chủ trì một hội nghị doanh nghiệp cấp cao tại Singapore với chủ đề Diễn đàn Thế giới mới.

Trong một động thái đáng chú ý, ông Vương Kỳ Sơn đã có mặt tham dự và phát biểu tại sự kiện. Đối với giới quan sát, rất hiếm khi ông Vương tham dự một sự kiện được tổ chức bởi một công ty tư nhân ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên lề sự kiện này, ông Vương đã gặp gỡ Kissinger, người từng giữ chức Chủ tịch Danh dự Ban cố vấn của Diễn đàn. Một nhân vật đáng chú ý khác cũng tham dự diễn đàn này là Henry Paulson, cũng là cựu Chủ tịch Ban cố vấn diễn đàn.

Trước khi giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính vào năm 2006, Paulson đã đến thăm Trung Quốc hơn 70 lần, và phần nhiều trong số đó là theo lời mời của ông Vương. Cả 2 đã có mối quan hệ gần gữi từ những năm 90, khi ông Vương còn là Thống đốc Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, trong khi Paulson làm việc cho Goldman Sachs.

Ông Paulson từng đưa ra những chỉ trích đối với các động thái về chính trị gần đây của cả Mỹ và Trung Quốc. "Thật khó hiểu khi những người từng được cho là hiểu rõ về Trung Quốc, những người đã làm việc ở đó, kiếm lợi nhuận ở đó, và từng nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ trong 2 nước, thì nay lại thay đổi thái độ và tìm kiếm những sự đối đầu?".

"Và câu trả lời một phần nằm ở sự chậm chạp trong chính sách mở cửa, vốn đã kéo dài trong hơn 2 thập kỉ", ông Paulson chỉ trích Trung Quốc.

Trung Quốc đã mất đi "những chất xúc tác cho cải cách đầy táo bạo", ví dụ như nhà lãnh đạo Chu Dung Cơ, để tạo sự đổi thay trong lĩnh vực nhà nước vào những năm 90 của thế kỷ trước, và tiền đề cho sự gia nhập WTO.

Tờ Financial Times từng nhận định một số chỉ trích của Paulson, thực chất đã được một số nhà lãnh đạo ngay trong giới chính trị Trung Quốc ủng hộ.

Paulson cũng chỉ trích những động thái từ Nhà Trắng mà ông cho đã có thể tạo ra tiền đề cho thương mại Mỹ vươn xa ở châu Á, ví như việc rút lui khỏi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP.

Ông Vương tiếp cận cả Kissenger và Paulson thông qua nhiều kênh liên lạc, bởi Bắc Kinh coi họ là một trong những người có ảnh hưởng tại Mỹ có thái độ thân Trung Quốc. Chính ông Vương đã từng đóng vai trò ngoại giao con thoi giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm, tuy nhiên, điều đó khiến ông là người hiểu rõ nhất sự xuống dốc của mối quan hệ giữa 2 bên.

Chính ông Vương đã mời những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở Phố Wall đến Bắc Kinh vào tháng 9 để dự "cuộc họp bàn tròn tài chính Mỹ - Trung", qua đó nhằm gửi thông điệp đến Nhà Trắng rằng Bắc Kinh đang cân nhắc đưa ra những động thái thân thiện với các tổ chức tài chính Mỹ.

Theo Minh Khôi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên