Hệ thống công nghệ mới của VSD: Năm 2021 có thể mua cổ phiếu cơ sở chỉ cần ký quỹ 10-20% như thị trường phái sinh
Hiểu một cách đơn giản, theo thông lệ đặc thù của Việt Nam, sau khi khớp lệnh, tiền nằm đọng 3 ngày cổ phiếu mới về, nhưng với cơ chế mới, chỉ cần ký quỹ 10-20%, đến sáng ngày T+2 mới cần chuyển tiền.
Chia sẻ tại toạ đàm "Ký ức và kỳ vọng" kỉ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết sắp tới đây thị trường sẽ có nhiều kỳ vọng cùng với Luật chứng khoán mới và hạ tầng công nghệ thông tin sắp hoàn thiện.
Gói thầu công nghệ thông tin do Hose làm chủ đầu tư với 3 đơn vị thụ hưởng là Hose, VSD và HNX dự kiến đi vào vận hành cuối năm nay, tuy nhiên do vấn đề dịch Covid-19 nên nhiều khả năng đến quý 2 năm 2021 hệ thống này mới đưa vào vận hành.
Việc vận hành hệ thống mới sẽ tạo nền tảng cho một số sản phẩm mới cũng như cho phép rút ngắn một số cơ chế mà chúng ta xây dựng pháp lý trước đây nhưng VSD chưa có điều kiện đầu tư hệ thống công nghệ riêng như giao dịch trong ngày (daytrading), hay rút ngắn chu kỳ thanh toán, rút ngắn tỷ trọng ký quỹ (prefunding). Hiện nay mua chứng khoán cơ sở phải ký quỹ 100%, theo ông Sơn, mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central Counter Party - CCP) trên nền tảng công nghệ mới cho phép mua chứng khoán cơ sở chỉ cần ký quỹ 10-20% như thị trường phái sinh.
Hiểu một cách đơn giản, theo thông lệ đặc thù của Việt Nam, sau khi khớp lệnh, tiền nằm đọng 3 ngày cổ phiếu mới về, nhưng với cơ chế mới, chỉ cần ký quỹ 10-20%, đến sáng ngày T+2 mới cần chuyển tiền.
Theo ông Sơn, đây là câu chuyện trước đây khiến việc nâng hạng thị trường của Việt Nam bị đọng mãi. Thông tư 2003 có quy định về prefunding và daytrading, nhưng nền tảng công nghệ chưa chuẩn bị được, cộng với các ràng buộc chi tiết đặc biệt là sự hợp tác từ thành viên thị trường để lựa chọn CTCK, mã chứng khoán để có thể cho phép vận hành daytrading. Bởi vì nếu vận hành mô hình CCP, về mặt pháp lý, rủi ro rơi hết về VSD, vì CCP sẽ trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán, đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình.
Đấy cũng là lí do vì sao, sang năm 2021, khi vận hành theo mô hình Tổng công ty Nhà nước, VSD phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ thành lập Tổng công ty Lưu ký Bù trừ Chứng khoán Việt Nam hoạt động từ 2021 và cấp vốn thành lập công ty con là CCP để tự chịu rủi ro với thị trường.
Hiện nay, song song với việc hoàn thiện hệ thống công nghệ, pháp lý, VSD đang tổ chức đào tạo mời tất cả thành viên thị trường, các CTCK các ngân hàng lưu ký nước ngoài để họ có chia sẻ về core, về cơ chế, đảm bảo có sự chuẩn bị kĩ càng khi hệ thống mới vận hành và khi thị trường sẵn sàng.
"Xây dựng đã khó, mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo phòng tránh rủi ro, quan trọng nhất là gữ thị trường phát triển ổn định và bền vững", ông Sơn chia sẻ.
"Chúng tôi vẫn phối hợp với các sở, trong lộ trình phát triển các sản phẩm mới, tạo ra nhiều khẩu vị đầu tư cho các thành viên thị trường, hiện nay chúng ta mới có sản phẩm future, sau này là option, sẵn sàng hợp tác để có cơ chế thanh toán mới…. Chúng ta tạo ra một thị trường 20 năm có sự phát triển như vậy, tôi kỳ vọng 5-10 năm nữa chúng ta tạo ra sự thay đổi khác, TTCK Việt Nam có chỗ đứng trong khu vực Châu Á và Asean", ông Sơn kết luận.