MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hệ thống ngân hàng: Áp lực cải cách và rủi ro thể chế

09-09-2016 - 08:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu cần được giải quyết nhanh chóng với sự phối hợp thực hiện từ nhiều cơ quan Nhà nước (Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính), các DNNN và các TCTD.

Chủ trì Hội thảo “Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” do Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và Đề tài độc lập cấp quốc gia ĐTĐL.XH.09/15 phối hợp tổ chức, TS.Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành trụ cột của hệ thống tài chính quốc gia trong cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, hệ số an toàn tài chính của hệ thống đã được cải thiện; năng lực quản trị điều hành của các NHTM đã được nâng lên; hầu hết các TCTD đã bước đầu áp dụng các mô hình quản lý theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển này, do những tác động từ bên ngoài cũng như các yếu tố nội tại, hệ thống ngân hàng đang và sẽ tiếp tục phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự ổn định của hệ thống.

Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn

Khẳng định Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 là nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam, PGS.TS. Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính cho rằng: “Một trong những điều kiện căn bản cần có để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra của Đề án là tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động của các ngân hàng cũng như cho hoạt động giám sát của cơ quan quản lý, giám sát của thị trường”.

Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, TS. Đức cho biết, mặc dù NHNN Việt Nam rất tích xử lý nợ xấu, nhưng đang gặp không ít những điểm nghẽn lớn. Theo ông, nợ xấu cần được giải quyết nhanh chóng nhưng chỉ có thể làm được với sự phối hợp từ nhiều cơ quan Nhà nước (Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính), các DNNN và các TCTD và cần phải có sự đột phá về chính sách xử lý nợ xấu.

TS. Trần Tất Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hệ thống ngân hàng hiện nay đã có nhiều loại hình hoạt động và đa dạng về hình thức sở hữu. Tuy nhiên, chưa có một định chế tài chính nào có phạm vi hoạt động mang tính khu vực và toàn cầu. Hệ thống thanh tra giám sát và các quy định an toàn, thận trọng còn có khoảng cách xa với khu vực và thế giới. Hệ thống ngân hàng còn đang phải đối diện với thách thức đến từ rủi ro về khách hàng trong bối cảnh hội nhập bởi khách hàng của ngân hàng là hệ thống DN đang còn yếu và hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư chưa đầy đủ...

TS. Tô Trung Thành và Trần Thị Lan Phương (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) lưu ý, rủi ro bất ổn tài chính sẽ gia tăng khi Việt Nam thực hiện các cam kết tiếp theo về mở cửa thị trường tài chính. Vì thế cần phải có những cải cách thể chế chính sách cho hệ thống ngân hàng.

Cảm thông với những khó khăn thách thức mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt, trong đó có cả những thách thức do có những khe hở và thiếu sót trong khung pháp lý, TS. Nguyên Đức Kiên cho biết, sắp tới Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua việc Việt Nam gia nhập TPP. Quốc hội cùng Chính phủ sẽ sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng để bảo đảm việc thực thi các cam kết của Việt Nam, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và minh bạch, trong đó có Luật các tổ chức tín dụng.

Ông cũng lưu ý, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, nâng cao năng lực quản trị, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, tiến tới áp dụng các chuẩn mực quốc tế cao hơn.

Tăng cường dân trí về tài chính

Những khuyến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế cho sự phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được nêu ra.

Các diễn giả khuyến nghị Chính phủ cần tạo sự kết dính, liên thông giữa thị trường ngân hàng và thị trường vốn; hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, đảm bảo cung ứng nguồn vốn dài hạn cho hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến ổn định tài chính và khẩn trương hoàn thiện cơ chế thu thập và chia sẻ thông tin trong nội bộ ngành ngân hàng cũng như với các cơ quan ngoài ngành, bảo đảm sự phối hợp chính sách giữa NHNN và Bộ Tài chính để bảo đảm sự hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và NHNN cần xác định rõ ràng hơn thông qua việc ban hành các văn bản dưới luật quy định cụ thể mối quan hệ giữa 2 thể chế này.

Và “tăng cường dân trí về tài chính" – là một vấn đề quan trọng bởi dân trí có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng Việt Nam, TS. Ngô Chung và Lê Văn Hinh (Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng) nhấn mạnh. Phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dân trí về tài chính ngân hàng và giao cho tổ chức, cơ quan sự nghiệp thuộc NHNN là phù hợp, khả thi và cần thiết và nên bắt đầu từ hôm nay.

Tính đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng Việt Nam có hơn 40 ngân hàng với loại hình sở hữu cũng như lĩnh vực hoạt động đa dạng; các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác có tổng tài sản đạt trên 7,3 triệu tỷ đồng.

Hội thảo đã tập trung thảo luận 5 vấn đề chủ yếu:

Trình bày về quan niệm và thước đo sự minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững của Hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đánh giá về tính lành mạnh, minh bạch và hiệu quả hoạt động của Hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2001 -2015.

Thảo luận về các khía cạnh lý luận và đánh giá các kết quả thực tiễn của vấn đề thể chế liên quan đến hoạt động của ngân hàng và giám sát đối với ngân hàng.

Thảo luận và đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển minh bạch, hiệu quả và bền vững Hệ thống ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.

Liên kết các vấn đề về thể chế kinh tế và thể chế tài chính trong sự phát triển Hệ thống ngân hàng và phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.

Theo PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên