Hermès, Louis Vuitton, Chanel... rục rịch mở cửa trở lại sau lệnh giãn cách ở châu Âu: Hàng loạt biện pháp an toàn được tăng cường để thu hút, nhân viên đếm từng khách một
Dù nhiều thương hiệu xa xỉ đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng tình hình mua sắm vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan.
- 15-04-2020Hermès đạt doanh thu 2,7 triệu USD trong ngày đầu mở cửa lại tại một cửa hàng
- 02-04-2020Cách các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới ứng phó với Covid-19: Chanel sản xuất khẩu trang, Hermès cho nhân viên nghỉ vẫn trả đủ lương
- 18-10-2019Hermès Heritage - In Motion: Hành trình di sản dừng chân tại thủ đô Hà Nội
Tại một cửa hiệu của Hermès trên một trong những con phố hào nhoáng bậc nhất Paris (Pháp), nhân viên bán hàng niềm nở đón khách qua lớp vải khẩu trang, cầm theo một lọ nước rửa tay và lịch sự hỏi: “Tôi có thể giúp bà rửa tay không?”
Khi Pháp bắt đầu gỡ dần lệnh giãn cách xã hội cũng là lúc nhiều cửa hiệu mở cửa trở lại. Họ tăng cường các biện pháp vệ sinh, cũng như cố gắng tìm hiểu về thị hiếu của khách hàng sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.
Tại một cửa hiệu của Louis Vuitton trên Quảng trường Place Vendome ở Paris - nơi bán mọi thứ, từ dụng cụ làm cocktail có giá 700 USD cho đến những bộ trang sức trị giá cả trăm nghìn USD, chỉ có một vài khách hàng địa phương ghé qua.
Một số khách xếp hàng chờ một cửa hiệu Hermès mở cửa trở lại. (Ảnh: Reuters)
“Hôm nay là sinh nhật bạn tôi, nên tôi mua cho cô ấy một chiếc ví”, Hajar - một cư dân Paris - cho biết. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy nhau trong 2 tháng trời”.
Tại một cửa hiệu khác của Hermès ở Rue du Faubourg Saint-Honore, mọi hoạt động mua bán vẫn diễn ra như bình thường. Một nhân viên kín đáo đếm số người ra vào cửa hàng mỗi lúc - khoảng 50 người đã có mặt tại cửa hiệu hai tầng này vào đầu giờ chiều. Một khách hàng cho biết, cô sẽ phải đặt lịch hẹn nếu muốn mua chiếc túi xách “Kelly” đắt đỏ kia.
“Hermès lúc nào cũng làm mọi chuyện trở nên phức tạp”, Blessing Williams - một người mẫu 23 tuổi gốc Nigeria đang sống ở Paris - cho biết. Dẫu vậy, cô vẫn ra về với một đôi giày sandal trên tay.
Tuy nhiên, các hạn chế về du lịch và sự sụt giảm lượng khách du lịch quốc tế sẽ khiến những thủ phủ thời trang hàng hiệu như Paris hay Milan gặp nhiều khó khăn, kể cả khi nhiều thương hiệu dự định sẽ hoạt động trở lại vào ngày 18/5.
Theo chuyên gia Flavio Cereda của Jefferies, khách du lịch nước ngoài có thể chiếm tới 35-55% tổng doanh thu của các nhãn hàng cao cấp tại châu Âu, tùy thuộc vào từng thương hiệu.
Tại Đức - nơi các cửa hàng nhỏ đã mở cửa được 3 tuần, số khách hàng thượng lưu mua hàng vẫn còn rất ít, như hãng suit Hugo Boss nói vào tuần trước.
Một nhân viên đang trang trí lại bên ngoài cửa hiệu Dior trước tuần mở cửa. (Ảnh: Bloomberg)
Phòng thay đổi sang chảnh tại cửa hiệu Louis Vuitton tại Vendome cũng vắng vẻ hơn thường ngày, dù được khử trùng thường xuyên mỗi ngày.
Một cửa hàng Chanel gần đó cũng lặng lẽ hơn so với trước khủng hoảng. CEO của Hermès Axel Dumas, cũng như các nhân viên tại cửa hiệu Faubourg Saint-Honore, từ chối bình luận về những giờ đầu tiên hoạt động trở lại.
Mặc dù một số các tín hiệu hồi phục đã xuất hiện tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, doanh thu toàn cầu của các mặt hàng xa xỉ được dự đoán sẽ giảm tới 50% trong năm nay, theo công ty tư vấn Bain.
Hiện tại, các nhãn hàng này sẽ tập trung tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh, trong đó việc đeo khẩu trang là bắt buộc.
Tại cửa hiệu Louis Vuitton tại Paris, thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, những bộ quần áo mà khách hàng đã mặc thử sẽ được để qua một bên để hấp lại, còn túi xách sẽ được cách ly riêng trong 48 tiếng đồng hồ.
Các biện pháp vệ sinh này sẽ được áp dụng theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc của khách hàng và chất liệu sản phẩm. Christian Dior - một trong những nhãn hàng thuộc LVMH - và Chanel cũng đã lắp đặt các tấm kính ngăn cách Plexiglas để hạn chế tiếp xúc giữa các khách hàng.
(Theo SCMP)