Hết thời đua giá, một phân khúc bất động sản bị cắt lỗ “không thương tiếc” tới hàng chục tỷ đồng
Ảnh minh họa.
Sau thời gian liên tục tăng nóng, giá nhà liền kề, biệt thự quay đầu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, dù giảm giá nhưng không dễ bán ở hiện tại, bởi các sản phẩm này có giá trị lớn.
- 22-12-2022Thị trường bất động sản kích hoạt “chế độ” chờ và đợi
- 22-12-2022Thị trường bất động sản vào “mùa gặt” nhưng thất thu
- 21-12-2022Bắc Giang duyệt loạt khu đô thị dịch vụ hàng trăm ha
Người bán giảm giá hàng chục tỷ đồng
Thời gian qua, giới đầu tư bất động sản cho rằng, nhà liền kề và biệt thự là “con gà đẻ trứng vàng”. Bởi, ngoài việc tăng giá mạnh theo thời gian còn có khả năng cho thuê với mức giá cao. Do vậy, chỉ trong vòng 2 năm qua, giá của loại sản phẩm này đã tăng gấp 2 - 3 lần. Thậm chí, thị trường vừa qua xuất hiện nhiều căn nhà liền kề, biệt thự có giá hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn chững, giao dịch của sản phẩm này gần như “đóng băng”, việc cho thuê cũng không khả quan. Theo đó, mức giá thứ cấp đã liên tục sụt giảm.
Cụ thể, giá bán nhà liền kề, biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh thời điểm đầu năm dao động từ 90 - 130 triệu đồng/m2, thì nay giảm còn 65 - 100 triệu đồng/m2. Khu đô thị Lideco giá bán trước đó khoảng 90 - 110 triệu đồng/m2, giảm xuống còn 70 - 90 triệu đồng/m2. Dự án nhà liền kề, biệt thự tại Thanh Đàm (Hoàng Mai) giá dao động từ 120 - 160 triệu đồng/m2, nay còn 80 - 120 triệu đồng/m2. Hay một dự tại Gia Lâm, thời điểm cuối năm 2021, thị trường bất động sản xôn xao có những căn mức giá thứ cấp lên tới 70 - 80 tỷ đồng/căn, thì nay giá rao bán còn 40 - 50 tỷ đồng/căn. Đa phần, giá nhà liền kề, biệt thự đều đã giảm 20 - 30%, thậm chí nhiều hơn so với thời điểm sốt.
Anh N.X, nhà đầu tư “tay to” tại Hà Nội cho biết, thời điểm cuối năm 2021, giá liền kề, biệt thự liên tục tăng nóng. Theo đó, anh X đã bán tất cả các mảnh đất đang nắm giữ và vay thêm tiền mua một căn nhà tại dự án ở Gia Lâm với mức giá 35 tỷ đồng, có diện tích 150m2, tương đương 233 triệu đồng/m2.
“Thời điểm đó, tôi mua lại của một nhà đầu tư khác. Với kỳ vọng giá có thể tiếp tục tăng gấp 2 lần như một số dự án trước đó. Song, thị trường đột ngột phanh gấp, giao dịch tại dự án này gần như đóng băng tới bây giờ”, anh X nói.
Vì sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên anh X buộc phải rao bán căn nhà phố đang sở hữu với mức giá giảm tới hơn 30%, tương đương hơn 10 tỷ đồng so với thời điểm mua vào.
“Sau nhiều lần giảm giá, giá bán hiện tại của căn nhà phố đang là 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, rao bán rất nhiều tháng nhưng tôi vẫn chưa tìm được người mua”, anh X nói.
Muốn bán nhưng không dễ
Không phải anh X là trường hợp duy nhất đang rao bán cắt lỗ dòng sản phẩm này. Nhiều người trước đó mua với mục đích vừa đầu tư, vừa cho thuê nhưng thời điểm hiện tại tìm người thuê cũng rất khó, cộng với tình hình chung của thị trường suy giảm, nên việc giảm giá là điểm tất yếu.
Anh Nguyễn Trường, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho rằng, sản phẩm nhà liền kề, biệt thự có tính đầu cơ rất cao, tương đương với đất nền. Bởi, phân khúc này không phục vụ được nhu cầu thực, đa phần là những người đầu tư với mong muốn kiếm lời. Nhiều khu đô thị rất nhiều sản phẩm nhà ở thấp tầng nhưng không có người ở.
“Thực tế, hiện nay sản phẩm liền kề, biệt thự đang rao bán cắt lỗ tràn lan, nhưng khó tìm được người mua. Đây là phân khúc có giá trị cao, muốn mua cần số tiền rất lớn. Thời điểm này, việc có sẵn tiền mặt hàng chục tỷ đồng để mua ngay gần như rất ít. Bên cạnh đó, tâm lý của người muốn mua lại đang chờ mức giá giảm sâu thêm”, anh Trường nói.
Theo anh Trường, đối với những nhà đầu tư mua từ thời điểm mở bán đến bây giờ vẫn chưa phải cắt lỗ, mới chỉ giảm lãi. Còn những nhà đầu tư mua cuối sóng thì đang rất chật vật với tài sản nắm giữ.
Thực tế, thời gian qua, câu chuyện tắc thanh khoản không chỉ ở phân khúc nhà liền kề, biệt thự mà đến với tất cả các sản phẩm. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đây không phải thời điểm tốt để bán bất động sản. Song, đây lại là có hội 10 năm mới có một lần cho các nhà đầu tư sẵn tiền mặt.
Nhịp sống thị trường