MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiến kế phát triển thị trường vốn dài hạn

07-07-2019 - 12:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất giải pháp tối ưu để tháo gỡ vướng mắc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết tại Việt Nam.

Trong khi các DN trong nước thường trông đợi vào vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất kinh doanh, thì NĐT nước ngoài lại có quan điểm khác. Khi đưa ra các khuyến nghị về chính sách phát triển bền vững cho Việt Nam, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần củng cố hệ thống trung gian tài chính hiệu quả hơn để đa dạng hoá nguồn vốn cho DN. Bởi hiện nay gánh nặng về cung ứng vốn cho nền kinh tế đang đặt lên vai hệ thống ngân hàng, trong khi chưa có nguồn thích hợp để DN huy động vốn dài hạn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiến kế phát triển thị trường vốn dài hạn - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán vẫn chờ “người chơi” lớn

Sớm bổ sung “người chơi” cho thị trường

Ông Kim Han Yong - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) nhận định, việc áp dụng chuẩn Basel 2 vào năm 2020 sẽ buộc các NHTM nâng cao tiêu chuẩn an toàn, từ đó phải thận trọng hơn trong việc cho vay để đảm bảo phòng ngừa rủi ro. Vì vậy Chính phủ cần thu hút được các nguồn vốn từ nước ngoài cũng như huy động nguồn vốn tư nhân qua các kênh như thị trường chứng khoán, trái phiếu DN…

Trong đó, phát triển thị trường trái phiếu DN đang là một kênh nhiều tiềm năng. Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị cần thu hút các cơ quan xếp hạng tín dụng (CRA) có tín nhiệm của nước ngoài tham gia phát triển thị trường trái phiếu DN của Việt Nam.

Theo ông Kim Han Yong, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển thị trường trái phiếu DN đã đặt ra chỉ tiêu quy mô thị trường này đạt 7% GDP vào năm 2020 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, điều kiện tiền đề nhằm phát triển thị trường trái phiếu DN là phải song hành với việc đánh giá và cung cấp thông tin chính xác về DN.

Hiện nay, Phát Thịnh Rating là công ty đánh giá tín dụng đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu DN và thu hút nguồn vốn ngoại vào thị trường này thì đòi hỏi phải cân nhắc các chính sách giúp thu hút sự tham gia của các CRA có tín nhiệm của nước ngoài.

Ông Kim Han Yong dẫn chứng, nếu CRA của Hàn Quốc được cấp Giấy phép đánh giá tín dụng độc lập hoặc dưới hình thức liên doanh tại Việt Nam và thực hiện đánh giá DN Việt Nam thì nội dung đánh giá đó có thể giúp ích rất nhiều trong việc thu hút các NĐT Hàn Quốc. Đồng thời, ngoài thị trường trái phiếu DN, tại Việt Nam, sự tham gia của khối tư nhân vào xã hội cũng được dự đoán sẽ sôi động hơn với Luật PPP được công bố gần đây và chính lúc này CRA nước ngoài được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút NĐT.

Ngoài ra, để phát triển thị trường trái phiếu DN, nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) còn kiến nghị một số vấn đề pháp lý cần tháo gỡ. Cụ thể là Nghị định 163/2018/NĐ-CP yêu cầu công bố thông tin chi tiết các điều kiện và điều khoản trái phiếu ít nhất 10 ngày làm việc trước khi phát hành là không hợp lý và khó khả thi trong thực tế. Bởi tổ chức phát hành và các NĐT thường hoàn tất điều kiện và điều khoản trái phiếu một thời gian ngắn trước khi phát hành. Đặc biệt đối với trái phiếu có bảo đảm, vì các tài liệu pháp lý phức tạp, các bên thường chỉ kết thúc đàm phán chi tiết các hợp đồng bảo đảm 1 hoặc 2 ngày trước khi phát hành.

“Rõ ràng, yêu cầu phải công bố thông tin chi tiết cản trở việc phát hành trái phiếu của DN, đồng thời dẫn đến việc DN rơi vào tình trạng bất tuân thủ vì không thể thực hiện nổi”, báo cáo của nhóm công tác chỉ ra thực tế.

Vì vậy, nhóm đề xuất sửa đổi nghị định cho phép tổ chức phát hành chỉ cần công bố điều khoản và điều kiện cơ bản của trái phiếu (kỳ hạn, mệnh giá, lãi suất, thanh toán gốc, lãi) trên chuyên trang về trái phiếu DN (hiện vẫn chưa có).

Ngoài ra, quy định bắt buộc công bố thông tin về người sở hữu trái phiếu đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ là đi ngược với bản chất của phát hành trái phiếu và ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến việc bảo mật thông tin các NĐT trái phiếu và danh mục đầu tư của họ. Nhóm đề xuất bỏ quy định này tại Nghị định 163.

Quy định bắt buộc công bố thông tin về người sở hữu trái phiếu đối với trái phiếu phát hành riêng lẻ là đi ngược với bản chất của phát hành trái phiếu và ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp đến việc bảo mật thông tin các NĐT trái phiếu và danh mục đầu tư của họ.

(Nhóm công tác thị trường vốn VBF đề xuất bỏ quy định này tại Nghị định 163)

Ông Kiên Nguyễn - Nhóm công tác thị trường vốn của VBF chỉ ra những bất cập trên một kênh hút vốn quan trọng khác là thị trường chứng khoán. Theo ông, chính sách đối với đầu tư gián tiếp vào thị trường này còn nhiều điểm cần cải thiện. Hiện nay NĐT tham gia vào thị trường chứng khoán còn rất hạn chế do thiếu hụt một số quỹ dài hạn. Chẳng hạn, việc hình thành quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là nhân tố quan trọng trong phát triển NĐT tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giải quyết bài toán nới room ngoại

Trong tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã cấp giấy phép để cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Tuy nhiên việc đưa ra công chúng các gói sản phẩm hưu trí bổ sung tự nguyện chưa thực hiện được do thiếu các hướng dẫn chi tiết về thuế đối với các sản phẩm này.

Cụ thể, chưa có các hướng dẫn về việc miễn thuế hoặc thuế suất ưu đãi hợp lý áp dụng cho kết quả đầu tư của quỹ, cho các khoản chi trả từ quỹ tới người đầu tư trong các trường hợp khác nhau (rút trước khi đến tuổi nghỉ hưu, rút một lần hoặc nhiều lần khi tới tuổi nghỉ hưu, dừng tham gia chương trình, thay đổi nơi làm việc…). Bên cạnh đó, mức ưu đãi thuế đối với khoản đóng góp vào quỹ được xem là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, đang được đánh giá là chưa phù hợp để khuyến khích các đối tượng tham gia. Ông Kiên Nguyễn đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn chính sách thuế đối với quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện để nhanh chóng bổ sung thêm “người chơi” lớn trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, nhóm công tác thị trường vốn cũng đề xuất giải pháp tối ưu để tháo gỡ vướng mắc nới room cho NĐT nước ngoài tại công ty niêm yết tại Việt Nam. Đó là áp dụng Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Sở dĩ Việt Nam nên mở ra cơ chế cho NVDR vận hành, vì giải quyết được cả 2 vấn đề: Chính phủ vẫn hạn chế được tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật hiện hành, cũng như điều ước quốc tế, đồng thời không làm thay đổi địa vị pháp lý (NĐT trong nước hay nước ngoài) của DN khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá 51%. Cơ chế mới này sẽ cho phép NĐT nước ngoài đầu tư vào các công ty đại chúng, công ty niêm yết khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức tối đa theo luật định.

Theo Khanh Đoàn

Thời Báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên