MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tượng lạ Searefico (SRF): Từ chối ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường được hưởng

16-09-2017 - 10:11 AM | Doanh nghiệp

Việc từ chối ghi nhận ngay lợi nhuận của Seareafico được giới quan sát đánh giá là trái ngược với hầu hết các công ty niêm yết trên thị trường thường có xu hướng ghi nhận ngay hoặc cố gắng tìm mọi cách để tăng bằng được con số lợi nhuận kế toán trên BCTC.

Kỳ công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017, các hãng kiểm toán đã liên tục đưa ra những vấn đề bất cập trong BCTC tự lập của các DN trên sàn. Trong số đó không ít những DN cố gắng tạo ra những con số lợi nhuận kế toán cao hơn so với thực tế kinh doanh.

Một trường hợp gây chú ý là Công ty Cổ phần Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) đã dùng 'tuyệt chiêu' lấy máy móc cũ có giá trị ghi sổ 4 tỷ đồng đi định giá lại thành 28 tỷ đồng và đem đi góp vốn. Sau đó ghi nhận khoản chênh lệch 24 tỷ đồng vào thu nhập khác để ghi nhận lợi nhuận. Việc làm này của HKB đã bị kiểm toán nêu rõ cùng một loạt những vấn đề cần nhấn mạnh khác có thể làm thay đổi số liệu trên BCTC so với số liệu thực tế.

Gỗ Trường Thành (TTF) mới đây cũng công bố khoản lãi sau thuế mang tính chất 'chữa cháy' đạt gần 13 tỷ đồng so với khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận khoản thu nhập khác từ việc được giảm hơn 88 tỷ đồng lãi vay được giảm. Tuy nhiên, BCTC sau soát xét mới công bố, TTF chỉ còn lãi 1,3 tỷ đồng. Không những vậy, Ernst & Young đã cho rằng khoản thu nhập do được miễn lãi vay 84,7 tỷ đồng là không chắc chắn và không phù hợp với quy định. Theo đó, nếu TTF không ghi nhận khoản lãi trên thì công ty sẽ lỗ ròng hơn 83 tỷ đồng.

Giữa một loạt các DN luôn muốn "thổi phổng lợi nhuận" thì Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh - Searefico (SRF) là một trường hợp dị biệt khi không muốn ghi nhận khoản lợi nhuận mà Công ty này được phép ghi nhận theo quy định.

Báo cáo tài chính bán niên 2017 sau soát xét của SRF mới đây, Công ty TNHH PriceWaterHouseCoopers đã nêu ý kiến ngoại trừ và cho rằng, theo đúng quy định SRF phải ghi nhận đủ gần 30 tỷ đồng lợi nhuận từ khoản tài trợ máy móc thay vì ghi nhận một phần thu nhập từ nguồn tài trợ này là 2,98 tỷ đồng.

Theo đó, nếu Công ty ghi nhận theo các quy định trên thì lợi nhuận sau thuế cho kỳ kế toán tại ngày 30/6/2017 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2017 tăng với cùng số tiền là 26,9 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, nếu ghi nhận đúng quy định, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm của SRF sẽ đạt con số 54,5 tỷ đồng, gấp đôi so với con số trên BCTC quý II/2017 và gấp đôi so với con số SRF đạt được trong 6 tháng đầu năm 2016.

Giải trình kết luận này, SRF cho biết Công ty được nhận tài trợ, máy móc thiết bị trị giá 29,89 tỷ đồng trên báo cáo hợp nhất từ Quỹ đa phương theo thỏa thuận tài trợ không hoàn lại ký kết giữa Công ty và Ban quản lý dự án kế hoạch loại trừ các chất HCFC Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường. “Tại thời điểm lập báo cáo, Công ty nhận thấy việc ghi nhận như trên sẽ làm tăng lợi nhuận đột biến năm nay, trong khi chi phí khấu hao phải ghi nhận 10 năm tiếp theo. Do đó, SRF chọn phương án ghi nhận thu nhập phù hợp với chi phí.”, SRF giải trình.

Chia sẻ thêm với người viết về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hường – Phó Tổng giám đốc SRF cho biết: “Quan điểm của Hội đồng quản trị là muốn các cổ đông và nhà đầu tư hiểu đúng bản chất của khoản tài trợ nói trên và hiểu rằng SRF không muốn ghi nhận lợi nhuận kế toán cao hơn so với thực tế chúng tôi đạt được và tác động đến giá cổ phiếu SRF trên thị trường.”

Dù vậy, bà Hường cũng cho biết với ý kiến ngoại trừ từ phía đơn vị kiểm toán, HĐQT SRF đã họp và thống nhất rằng Công ty không thể cứ để ý kiến ngoại trừ của kiểm toán được trên báo cáo tài chính của công ty trong vòng 10 năm và sẽ tiến hành ghi lợi nhuận còn lại trong 2 quý còn lại năm nay.

Việc SRF “chưa chịu" ghi nhận ngay khoản lợi nhuận bất thường theo nhận định của giới phân tích là có vẻ trái ngược với hầu hết các công ty niêm yết trên thị trường thường có xu hướng ghi nhận ngay hoặc cố gắng tìm mọi cách để tăng bằng được con số lợi nhuận kế toán trên BCTC.

Trường phái bảo thủ

Nếu quan sát kỹ hơn về quá trình hoạt động của Searefico, sẽ không khó để nhận thấy rằng, quan điểm lãnh đạo Công ty này là rất cẩn trọng. Nhờ tận lực tập trung vào 2 hoạt động kinh doanh chính là M&E và lạnh công nghiệp mà không tham lam đầu tư dàn trải, hoạt động kinh doanh của SRF đã có mức tăng trưởng ổn định. Đến năm 2015, SRF lần đầu tiên trong lịch sử khi cán mốc doanh số 1.000 tỷ đồng.

Trước đây, ít nhà đầu tư chứng khoán nào biết rằng, Searefico chính là nhà thầu thi công, lắp đặt hệ thống cơ điện cho rất nhiều nhà máy và dự án bất động sản lớn.

Kinh doanh hiệu quả, SRF chính là cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt bình quân hàng năm trên mức 20%/năm được SRF duy trì khá đều dặn trong những năm qua bên cạnh cổ phiếu thưởng. Thế nhưng, một điểm khiến SRF được giới phân tích đánh giá cao nhất đó chính là sự minh bạch.

Trong một lần hiếm hoi chia sẻ với báo chí hồi đầu năm 2017, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch HĐQT SRF cho biết, nhìn lại 8 năm niêm yết, một thành công khác có được như hệ quả tất yếu của sự bảo thủ đúng đắn của công ty đó là cổ phiếu SRF đã có một năm 2016 tăng trưởng đột phá. Đây cũng là năm mà cổ phiếu SRF tăng giá mạnh nhất kể từ khi niêm yết năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, Chủ tịch SRF cũng thừa nhận rằng, sự tăng giá cổ phiếu một mặt đã đáp ứng sự kỳ vọng của nhà đầu tư và cổ đông, song nó lại gây áp lực với ban lãnh đạo công ty trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng đã đạt được trong những năm qua.

Có lẽ, đây cũng là một lý do dẫn đến việc Công ty không muốn ghi nhận lợi đột biến trong 6 tháng đầu năm nay mà muốn đưa con số phù hợp với dòng tiền thực tế. Bởi việc ghi nhận lợi nhuận cao hơn thông thường có thể sẽ gây sức ép lớn hơn cho ban lãnh đạo công ty trong tương lai, điều này thì không ai thực sự muốn.


Biến động giá cổ phiếu SRF từ khi niêm yết

Biến động giá cổ phiếu SRF từ khi niêm yết

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên