MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội phát hành và phổ biến Phim VN tố "CGV có dấu hiệu vi phạm pháp luật"

31-08-2016 - 11:02 AM | Doanh nghiệp

Chứng kiến trước tình trạng CGV chèn ép các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt qua tỷ lệ phân chia phòng vé, đại diện Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim VN đã chính thức lên tiếng mong muốn cạnh tranh lành mạnh, đồng thời CGV có cách hành xử đúng mực.

Nội dung thông cáo cho rằng, Hiệp hội không có tư tưởng bài ngoại mà chủ động tích cực trong khuynh hướng hội nhập và phát triển toàn cầu.

Tuy nhiên, cách làm việc của CGV thời gian qua khiến đại diện nhiều DN sản xuất và chiếu phim trở nên bất bình. Do đó, CGV hãy hành xử như một doanh nghiệp lớn.

"Việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển và đạt được vị trí lớn là việc rất bình thường và được khuyến khích trong kinh doanh. Nhưng khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá như một “DOANH NGHIỆP LỚN”, chứ không nên “ CẬY LỚN” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành, đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh", trích nội dung thông cáo.

Chúng tôi muốn được cạnh tranh lành mạnh, công bằng

Bên cạnh khuyên CGV hành xử đúng mực, Hiệp hội bày tỏ mong muốn được cạnh tranh lành mạnh, công bằng và tuân thủ luật pháp Việt Nam và các thoả thuận Quốc tế cũng như sẵn sàng cạnh tranh song phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong thông cáo, ông Nguyễn Văn Nhiêm – Chủ Tịch Hiệp hội Phát hành & Phổ biến Phim VN cho biết, các doanh nghiệp điện ảnh Việt nhất định sẽ lớn lên bằng chính khả năng và sự cố gắng và nỗ lực của chính mình.

"Với người Việt khi khó khăn nhất cũng là khi chúng tôi sẽ đoàn kết với nhau nhiều nhất. Mong muốn của các thành viên trong Hiệp hội là được hoạt động điện ảnh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng và tuân thủ pháp luật", ông Nhiêm cho hay.

Cũng theo vị này, đầu tư nước ngoài rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu việc này đi kèm với hàng hoá kém chất lượng, công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường, hay những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép, phá hoại ngành sản xuất trong nước, thì cần phải có những biện pháp kiên quyết xử lý.

CGV có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Ngoài tự thay đổi và áp đặt những tỉ lệ ăn chia dành cho mình cao hơn nhiều so với trước đây, CGV còn có ứng xử thiếu văn minh và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Do đó, Hiệp hội Phát hành & Phổ Biến Phim Việt Nam buộc phải gửi các thông tin này lên các cơ quan chức năng để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định.

CGV hay bất kỳ doanh nghiệp điện ảnh có vị trí lớn nào cũng cần hoạt động theo tinh thần tôn trọng luật pháp trong việc phát hành phim, chiếu phim theo quy định tại luật đầu tư, luật cạnh tranh và các quy định khác mà Nhà nước đã đưa ra và phù hợp với các công ước quốc tế.

Trước đó, hồi tháng 5/2016, 8 doanh nghiệp sản xuất phim, bao gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER và VAA, đã đăng tin khiếu nại CGV chèn ép DN, đặc biệt qua tỷ lệ phân chia phòng vé không hợp lý.

Ngay sau sự việc về đơn khiếu nại, 2 bom tấn liên tiếp của nhà phát hành phim Galaxy là X-men: Apocalypse và Independence day: Resurgence đều không được chiếu trên các cụm rạp của CGV, đang chiếm tới 40% thị trường tại Việt Nam.

Trả lời cho vấn đề này, CGV lên tiếng cho rằng nguyên nhân là không đạt được thỏa thuận kinh doanh.

Theo Hiểu Minh

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên