Hiệu quả đầu tư nhìn từ “vua ô tô” Trường Hải
Đó là kết quả của sự quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự “gặp nhau” của những tâm huyết, khát vọng.
-
Trên tổng thể, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn và cần những quyết sách nhanh, mạnh để ổn định thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp
-
Thương hiệu Việt, hàng Việt muốn đứng vững được trên thị trường thế giới trước hết phải đứng được trong niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.
14 năm đặt chân đến Quảng Nam, Trường Hải vươn lên dẫn đầu thị trường ô tô trong nước, trở thành đơn vị đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh, cùng những “kỷ lục” hơn cả kỳ vọng. Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) nhấn mạnh: Đó là kết quả của sự quyết liệt, tầm nhìn chiến lược và sự “gặp nhau” của những tâm huyết, khát vọng.
Còn nhớ năm 2002, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô lớn, THACO chủ động tìm kiếm khu vực đầu tư, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. Cùng thời điểm này, Quảng Nam xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai - khu KTM đầu tiên của cả nước. Theo lãnh đạo THACO, quyết định về với Quảng Nam không chỉ bởi đáp ứng yêu cầu đầu tư cả về quy mô, vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất mà còn bởi các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt, đủ điều kiện để tổ chức sản xuất ở quy mô ngang tầm khu vực vào năm 2018…
"Quảng Nam được đầu tư rất lớn từ T.Ư. Từ một vùng chưa phát triển gì thành một tỉnh lị đó là Tam Kỳ sau các quyết sách của T.Ư. Chẳng hạn như định hướng xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai và mới đây Quảng Nam cũng rất thành công khi thu hút ô tô Trường Hải vào Chu Lai. Điều đó tạo sức bật cho Chu Lai, như con sếu đầu đàn tạo cảm hứng, sức bật cho Quảng Nam."
TS. Trần Du Lịch
Trưởng nhóm tư vấn Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đúng như kỳ vọng, sau 14 năm đặt chân đến Chu Lai, THACO đã trở thành “người khổng lồ”, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp hàng đầu sản xuất ô tô trong nước. Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải với quy mô 650ha (gồm: KCN cơ khí ô tô: 220ha, KCN cảng và hậu cần cảng: 173ha, KCN mở rộng: 268ha) với 26 công ty, đơn vị trực thuộc, trong đó có 5 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, 12 nhà máy linh kiện phụ tùng. Thống kê tổng vốn đầu tư vào khu phức hợp (KPH) Chu Lai đến nay hơn 60.000 tỷ đồng. THACO vươn mình trở thành công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất, lắp ráp đầy đủ các dòng sản phẩm xe tải - khách - ôtô con, với tỷ lệ nội địa hóa và doanh số cao nhất. Từ năm 2004 đến nay, THACO đã bán ra thị trường hơn 400.000 xe; Đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam. Riêng năm 2016 nộp 17.700 tỷ đồng vào ngân sách, trong đó nộp tại Quảng Nam 14.350 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Đáng kể, 3 năm 2014 - 2016, THACO liên tiếp dẫn đầu thị trường ô tô trong nước, trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong năm 2016, với tổng doanh thu hợp nhất đạt 67.000 tỷ đồng. Ngoài 17.000 CBCNV trực tiếp tại các đơn vị, THACO còn gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 60.000 lao động của hơn 400 đối tác là nhà cung ứng vật tư phụ tùng, nhà vận chuyển và đại lý bán hàng.
Theo lãnh đạo THACO, doanh nghiệp xác định lộ trình cụ thể hội nhập ASEAN vào năm 2018 với những mục tiêu chiến lược: Trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành và là doanh nghiệp Việt có vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Xây dựng KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trở thành Trung tâm Cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia có quy mô ngang tầm khu vực ASEAN. Giai đoạn 2017-2021, 60.000 tỷ đồng sẽ được THACO đầu tư và huy động nguồn vốn các nhà đầu tư (nâng tổng vốn đầu tư cho KPH Chu Lai cả hai giai đoạn hơn 6 tỷ USD - PV) cho hàng loạt dự án: Xây dựng nhà máy Mazda, nhà máy xe buýt, xe tải mới với quy mô lớn và công nghệ mới, hiện đại, tự động hóa cao; Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm ô tô đạt tối thiểu 40% hướng đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN…
Chỉ riêng năm 2017, THACO hoàn thành nhà máy xe buýt mới với công suất 22.000 xe/năm (dự kiến tháng 7 sẽ đi vào sản xuất); Khởi công nhà máy Mazda mới công suất 100.000 xe/năm với dây chuyền thiết bị hiện đại nhất Đông Nam Á, nhằm mục tiêu nâng cấp công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn hoàn toàn mới (các mẫu xe thế hệ thứ 7) của Tập đoàn Mazda vào năm 2018…
Theo ông Tài, có được kết quả này nhờ sự hỗ trợ, đồng hành từ T.Ư đến địa phương. Các cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt đã tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp vươn mình phát triển. Cụ thể, chính sách “một cửa, tại chỗ” và “một cửa liên thông” tại Khu KTM Chu Lai giúp thủ tục của các nhà đầu tư được rút ngắn 1/3 so với quy định chung, giúp tiết kiết kiệm thời gian, chi phí và công tác triển khai dự án. Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư thông thoáng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng hành sát cánh cùng doanh nghiệp…
Qua thực tiễn SXKD, lãnh đạo THACO kiến nghị: Chính phủ có các chính sách ổn định thị trường ô tô cùng các cơ chế phát triển công nghiệp cơ khí ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng để THACO tiếp tục mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Quảng Nam cần thêm chính sách ưu đãi cho các dự án mới, hỗ trợ công tác đền bù, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tái định cư phù hợp; Tạo điều kiện triển khai dự án đúng tiến độ và cơ sở để THACO thực hiện cam kết đối với các đối tác đầu tư vào KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải…
Chuyện chưa kể về “lương duyên” Chu Lai - Trường Hải
Theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng ban Khu KTM Chu Lai, ngày Trường Hải đầu tư vào Chu Lai, ai cũng ngỡ ngàng vì khi đó THACO đang hoạt động ổn định ở TP HCM, Đồng Nai và là thương hiệu mạnh của công nghiệp sản xuất ô tô nội địa.
Để mời được Trường Hải đầu tư là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc ngày đó. Từ năm 2002, Chủ tịch Phúc mạnh dạn lập Đề án nghiên cứu thành lập KTM Chu Lai và kêu gọi các nhà đầu tư. Hai năm trời bằng nỗ lực, Khu KTM Chu Lai đón những nhà đầu tư đầu tiên, trong đó có sự xuất hiện đầy mong chờ của Trường Hải.
“Quan điểm của Chủ tịch Phúc lúc đó rất rõ ràng. Tỉnh phải thu hút bằng chính việc tạo dựng niềm tin, sự cầu thị và cả cái tình của người xứ Quảng”, ông Diện nhớ lại. Nhắc lại mối “lương duyên” này, bản thân Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương ấn tượng: Tỉnh rất cầu thị. Phần “quý, nể” lãnh đạo tỉnh, phần bị thuyết phục bởi cơ chế chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp” và “Quảng Nam đồng hành thực sự”. Sự xuất hiện của Trường Hải ngay từ đầu đã tạo thêm sự hấp dẫn cho những thương hiệu khác vào đầu tư tại KKT.
Báo Giao thông