Hiệu quả đầu tư và phát triển hệ thống giao thông trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai
Đến nay 100% hạ tầng trong các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Đồng Nai đã hoàn thiện, tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư.
- 09-12-2024Không phải Singapore hay Trung Quốc, vốn FDI từ một quần đảo đổ mạnh vào Việt Nam, tăng hơn 550%, lọt top 10 nhà đầu tư FDI rót vốn nhiều nhất 11 tháng 2024
- 09-12-2024Tháng 11, Việt Nam dẫn đầu đầu tư vào Campuchia, gấp đôi Trung Quốc
- 08-12-2024Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận quy mô đầu tư không dưới tỷ USD
- 06-12-2024Khởi công cụm công nghiệp có vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng tại Bình Dương
Đồng Nai là địa phương có ngành công nghiệp phát triển, các khu công nghiệp (KCN) hình thành sớm, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến. Với vị trí quan trọng nằm trong "tứ giác" kinh tế (cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu), Đồng Nai là điểm kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Việc phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại Đồng Nai vì thế được chú trọng, đặc biệt là hạ tầng các KCN.
Chú trọng việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Biên Hòa 2.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, các KCN, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh được phân bổ chủ yếu theo các tuyến Quốc lộ như QL51, QL1A, QL20. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với các tỉnh, thành ở khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Hệ thống đường bộ gồm quốc lộ, tỉnh lộ hiện hữu đã có kết nối với các KCN, CCN trong tỉnh. Cùng với đó, hệ thống giao thông thủy cũng thuận lợi, giúp kết nối với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai cũng tạo ra lợi thế kết nối cho các KCN, CCN tại TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. Không những thế, trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được triển khai như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, sân bay Quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, cảng nước sâu Phước An... đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện, kết nối trong và ngoài KCN, CCN của tỉnh để đáp ứng như cầu phát triển công nghiệp.
Đến nay, 100% các KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều đã có cơ sở hạ tầng hoàn thiện với đầy đủ hệ thống đường giao thông nội khu, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và hệ thống xử lý nước thải tập trung... Hạ tầng tại các CCN trên địa bàn tỉnh cũng cơ bản hoàn thiện với các CCN đã hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tận dụng được cơ hội khai thác các tuyến giao thông bằng các tất cả hình thức như đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ phù hợp với nhu cầu.
Nhờ việc phát triển hạ tầng đồng bộ, đa phương thức, Đồng Nai đã thu hút được trên 1.700 dự án FDI với đa dạng các ngành nghề, tổng vốn đầu tư đạt trên 32 tỷ USD và xếp hạng 5 trên toàn quốc. Trong đó, ngành cơ khí, chế tạo máy, hòa chất và ngành giày da, may mặc là ba nhóm ngành nổi bật nhất của tỉnh với tỷ trọng chiếm tới hơn 80% ở các KCN của địa phương này.
Chất lượng dự án được nâng lên
Trao đổi với phóng viên Thời báo VTV, bà Dương Thị Xuân Nương - Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: " Đến nay, tại 34 KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thu hút được 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.149 dự án, trong đó có 1.503 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 30,597 tỷ USD, vốn thực hiện 23,27 tỷ USD và 646 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 85.732,41 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho tổng số 595.103 lao động, trong đó có 7.559 lao động nước ngoài.
Hạ tầng tại các KCN tại Đồng Nai được đặc biệt chú trọng phát triển.
Năm 2024, các KCN đặt ra chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 700 triệu USD nhưng tính đến hết tháng 10, các KCN tại Đồng Nai đã thu hút được 1.253 triệu USD, đạt 178% kế hoạch của năm; trong đó: thu hút đầu tư mới đạt 721 triệu USD và các dự án tăng vốn thêm 532 triệu USD. Kết quả thu hút đầu tư FDI năm 2024 đạt hiệu quả cao hơn dự kiến do một số dự án mới có vốn đầu tư cao, 18 dự án có vốn đầu tư trên 10 triệu USD, 11 dự án có vốn đầu tư trên 20 triệu USD. Chất lượng dự án cũng được nâng lên khi các dự án thu hút mới tập trung vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Một số dự án có quy mô tương đối lớn như Dự án Công ty TNHH Silicon Carbide Việt Nam và Dự án Advanced Optics cùng thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD tại KCN Nhơn Trạch I, đầu tư sản xuất chất bán dẫn ứng dụng trong điện tử; sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học (kính các loại, bộ phận dụng cụ phân tách, kết hợp chia tia sáng...) thuộc lĩnh vực công nghệ cao; Dự án Nhà máy Điện tử Regza Việt Nam, đầu tư sản xuất tivi (vốn đầu tư 40 triệu USD tại KCN Long Thành); Dự án Logistics Khu công nghệ cao Long Thành, đầu tư ngành nghề cho thuê nhà xưởng, nhà kho (vốn đầu tư 35,44 triệu USD tại KCN Công nghệ cao Long Thành), Nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Tata (Việt Nam) sản xuất, lắp ráp máy nén khí (vốn đầu tư 21 triệu USD tại KCN Nhơn Trạch VI), Dự án Nhà máy sản xuất Công ty TNHH Công nghệ ZQ (Việt Nam), đầu tư sản xuất linh kiện, phụ kiện bằng nhựa của máy hút bụi; sản xuất chổi quét sàn và cọ lăn (vốn đầu tư 12 triệu USD, tại KCN Công nghệ cao Long Thành).
Năm 2024 cũng là năm đánh dấu cột mốc 35 năm chặng đường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước.
VTV