Hiểu thêm về "tiền trực thăng" - khi Chính phủ phát tiền miễn phí cho dân chúng
Kể từ đầu năm đến nay, chính sách tiền trực thăng đột nhiên trở thành tâm điểm tranh cãi trong giới kinh tế học.
- 19-07-2016Đã đến lúc NHTW Nhật Bản sử dụng tiền trực thăng?
- 04-05-2016Helicopter money - Khi tiền từ trên trời rơi xuống
Hãy thử tưởng tượng một buổi sáng bạn thức dậy và đột nhiên thấy tài khoản ngân hàng của mình được cộng thêm một khoản tiền mặt, khoản tiền chính là món quà mà NHTW gửi tới mỗi công dân của đất nước.
Nghe có vẻ kỳ dị và sẽ là chuyện không thể xảy ra trong đời thực, nhưng đây chính là hiện thân của “tiền trực thăng” (helicopter money) – chính sách kích thích kinh tế đang được các chuyên gia kinh tế tranh luận một cách nghiêm túc.
Kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, hàng nghìn tỷ USD, euro, yên Nhật và bảng Anh đã được các NHTW bơm vào hệ thống tài chính nhưng không thể tạo ra tăng trưởng đột phá cho kinh tế thế giới. Khác với cách làm này, theo lý thuyết thì trong chính sách tiền trực thăng, tiền sẽ được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng, thôi thúc họ đi mua sắm ngay lập tức và lạc quan hơn về nền kinh tế. Lực cầu tăng kéo theo giá tăng – điều mà các NHTW khao khát có được để có thể vực dậy nền kinh tế đang bị đè nặng bởi giảm phát và trì trệ.
"Cha đẻ" Friedman và ngài "Ben trực thăng"
Milton Friedman là người đầu tiên đưa ra ý tưởng tiền trực thăng, vào năm 1969. Nhà kinh tế học đạt giải Nobel vẽ ra hình ảnh một chiếc trực thăng bay trên đầu một đám đông và thả xuống những tờ tiền giấy.
Còn cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke là người khiến khái niệm tiền trực thăng trở nên nổi tiếng. Năm 2002, khi còn đương chức, ông nhắc đến khái niệm này khi tranh luận về việc NHTW có thể đẩy tăng lạm phát bất cứ khi nào họ muốn. Biệt danh “Ben trực thăng” cũng ra đời từ đây, mặc dù những biện pháp mà ông sử dụng để vực dậy nền kinh tế từ sau đợt khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái chỉ dừng lại ở QE và lãi suất gần 0. Tháng 4/2016, trong một bài viết trên blog cá nhân, Bernanke tiếp tục nói rằng tiền trực thăng là công cụ tốt nhất mà các NHTW có thể sử dụng trong một số trường hợp khẩn cấp.
Tâm điểm tranh cãi
Kể từ đầu năm đến nay, chính sách tiền trực thăng đột nhiên trở thành tâm điểm tranh cãi trong giới kinh tế học. Một loạt các nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường gồm chủ nhân giải Nobel Kinh tế Paul Krugman, cựu Chủ tịch cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) Adair Turner và Tony Yates (người từng là chuyên gia kinh tế của NHTW Anh) đã đăng đàn để nói về những lợi ích cũng như những nguy hiểm mà việc phát tiền trực tiếp sẽ mang lại.
Hồi tháng 3, Chủ tịch NHTW châu Âu ECB Mario Draghi gọi tiền trực thăng là “một ý tưởng thú vị”. Đến tháng 7, một Bộ trưởng của nội các Nhật Bản khiến đồng yên biến động mạnh khi bác bỏ một bài báo cho rằng Chính phủ nước này đang xem xét biện pháp tiền trực thăng. Thống đốc NHTW Nhật Bản cũng nói rằng sử dụng tiền trực thăng là vi hiến và cũng không cần thiết.
Cuộc tranh luận xoay quanh những nỗi lo về lạm phát thấp, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản. NHTW của các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới – mà dẫn đầu là Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng đẩy tăng chỉ số giá tiêu dùng bằng cách mua vào lượng lớn trái phiếu Chính phủ thông qua chương trình nới lỏng định lượng (các gói QE).
Với vai trò là cơ quan đảm bảo sự ổn định của hệ thống tiền tệ, các NHTW phải dùng đến QE sau khi đã hạ lãi suất xuống mức thấp nhất có thể mà vẫn không thể thu được hiệu quả như mong muốn. Thậm chí để khuyến khích cho vay, tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, một số NHTW còn sử dụng cả chính sách lãi suất âm, tức là đánh phí đối với các khoản tiền mà các ngân hàng thương mại gửi tại NHTW.
Cùng lúc đó, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu không thể hoặc không muốn theo đuổi các biện pháp kích thích tài khóa như giảm thuế hay tăng chi tiêu công. Kết quả là gánh nặng dồn hết lên vai các NHTW, họ buộc phải sử dụng những biện pháp phi truyền thống.
Có nên dùng "tiền trực thăng"?
Những người ủng hộ tiền trực thăng lập luận rằng chính sách này cũng giống như việc bác sĩ bơm adrenaline vào cơ thể bệnh nhân để kích thích vận chuyển máu về tim trong một ca cấp cứu. Đây là cách làm ít rủi ro hơn so với nới lỏng định lượng – biện pháp tạo ra hệ lụy không mong muốn là bong bóng trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu. Ngoài ra các lợi ích mà tiền trực thăng mang lại dễ dàng lan tỏa hơn so với các biện pháp khác.
Phe phản đối chỉ ra rằng tiền trực thăng không phải là một “bữa ăn miễn phí”. In thêm tiền sẽ làm giảm sức mua của những đồng tiền mà người dân tiết kiệm được, giống như cách một công ty phát hành cổ phiếu mới khiến các cổ đông hiện hữu thiệt thòi vì cổ phiếu họ đang nắm giữ bị pha loãng.
Một số người nói tiền trực thăng quá phức tạp so với các gói kích thích tài khóa mà lẽ ra các chính phủ nên thực hiện. Ngoài ra còn có nguy cơ lạm phát bùng nổ hay các nước sẽ trở thành “con nghiện tiền trực thăng” và không thể kiểm soát được tình hình. Thêm nữa, cho rằng nền kinh tế đang hoạt động không giống chút nào so với những gì được viết trong các cuốn sách giáo khoa kinh tế và do đó tương lai sẽ rất bất ổn, người dân sẽ tiết kiệm nhiều hơn thay vì tăng chi tiêu.
Ngoài ra cuộc tranh luận về tiền trực thăng còn bàn đến việc nên “rải tiền” bằng cách đổ thẳng vào tài khoản ngân hàng của người dân hay giảm thuế.