Hiệu ứng....thoái vốn đang lan tỏa?
Cụm từ "thoái vốn" đã khá quen thuộc kể từ khi có thông tin Nhà nước sẽ thoái vốn tại một số doanh nghiệp đầu ngành.
- 23-11-2015Thoái vốn ngoài ngành: PVN và Vinafood 2 thua lỗ vì hai “ngân hàng 0 đồng”
- 23-11-2015Tái cấu trúc mạnh mẽ, VIPCO lên kế hoạch thoái vốn tại hàng loạt khoản đầu tư
- 16-11-2015Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: “Không nên tư duy theo kiểu con anh con tôi”
- 12-11-20151 tháng sau thông tin SCIC thoái vốn: Ngoại chờ đợi, nội “gom” VNM
Thoái vốn có lẽ là cụm từ được nghe nhiều nhất trong thời gian gần đây. Thực tế, cụm từ này không chỉ xuất hiện khi áp lực thoái vốn tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước lên cao mà còn là động lực tự thân tại nhiều doanh nghiệp đại chúng.
Từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước
Nhìn lại chuỗi thoái vốn Nhà nước của các doanh nghiệp thuộc chủ trương tái cơ cấu , mới đây nhất, trong ngành GTVT, Tổng công ty xây dựng đường thủy đang lên phương án chào bán toàn bộ gần 11 triệu cổ phần của Nhà nước tại Tổng công ty với giá khởi điểm dự kiến 10.200 đồng/cổ phần.
Trong năm 2015, có 9 doanh nghiệp của ngành GTVT sẽ thoái hết vốn Nhà nước, trong đó Cinenco 1 và Cienco 4 đã hoàn thành việc thoái vốn. Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-CTCP (TEDI) cũng đã trình phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước; Cienco5, Cienco 6, Vinamotor, Vận tải thủy, Xây dựng đường thủy, Thăng Long cũng đã và đang xây dựng phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước.
Đến thoái vốn các khoản đầu tư
Làn sóng thoái vốn không chỉ dừng lại ở công cuộc thoái vốn tái cơ cấu theo chủ trương Nhà nước, mà các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng đang trên đà tái cấu trúc lại các khoản đầu tư. Có thể kể đến hành động thoái vốn của các ông lớn như Vietnam Airlines (HVN), PVGas (GAS), PVC….
Theo tin từ Vietnam Airlines (HVN), đến thời điểm cuối tháng 9/2015, đơn vị đã hoàn thành thoái vốn tại 10/15 danh mục đầu tư và cả 900.000 cổ phần tại In Hàng Không, tổng quy mô thoái vốn lên đến gần 540 tỷ đồng, chiếm 90,45% tổng giá trị vốn đầu tư cần thoái. Bên cạnh việc thoái vốn, Vietnam Airlines cũng đang tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp, triển khai chuyển Công ty Bay Dịch vụ Hàng không (VASCO) và 3 xí nghiệp thương mại mặt đất thành chi nhánh của Tổng Công ty.
Nằm trong chuỗi thoái vốn tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí CTCP (PVC) vừa quyết định chào bán hơn 1,5 triệu cổ phần của Tổng công ty tại DMC Miền Nam với giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phần, quy mô thoái vốn 15 tỷ đồng. Sau thoái vốn, PVC sẽ chỉ còn nắm giữ 51% cổ phần của DMC Miền Nam.
Không chỉ PVC, ngay PV Gas cũng vừa quyết định thoái toàn bộ 8,23 triệu cổ phần đang nắm giữ tại SeaBank thông qua hình thức đấu giá với mức giá khởi điểm 10.167 đồng/cổ phần, quy mô thoái vốn vào khoảng 84 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổng công ty Sông Đà (SONGDA) cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ 26,1 triệu cổ phần của CTCP Thép Việt Ý (VIS), thoái hoàn toàn vốn khỏi thép Việt Ý, quy mô thoái vốn xấp xỉ 200 tỷ đồng. Không chỉ thoái vốn khỏi VIS, trước đó, Tổng công ty Sông Đà cũng đã thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp khác như CTCP Đầu tư- Phát triển Sông Đà (SIC), CTCP Sông Đà Hà Nội (ASD), CTCP Thủy điện Hương Sơn (GSM), CTCP Sông Đà 7 (SD7)…
Hiệu ứng thoái vốn lan rộng cả sang các Doanh nghiệp niêm yết
Hiệu ứng thoái vốn còn lan rộng sang các doanh nghiệp niêm yết khác khi tâm lý "chốt lời", tâm lý "cắt lỗ" manh nha xuất hiện. Sau hơn 1 năm làm cổ đông của Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Phương Trung cũng đã quyết định đăng ký bán toàn bộ 11 triệu cổ phần HKB tương ứng 37,83% vốn cổ phần của KHB, quy mô thoái vốn xấp xỉ 30 tỷ đồng. Phương Trung đã là cổ đông chiến lược của KHB trong đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hồi tháng 6/2014. Đây có thể xem là hành động "cắt lỗ" của Phương Trung. Tuy nhiên, từ đầu tháng đến nay, cổ phiếu KHB đã có mức tăng mạnh hơn 1.000 đồng, lên 3.300 đồng/cổ phiếu.
CTCP Tài chính Xi Măng (CFC) mới đây cũng đón nhận liên tiếp 2 tin thoái vốn từ các cổ đông lớn. Cuối tháng 9/2015, Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) đã bán đấu giá toàn bộ 6,3 triệu cổ phần của CFC thu về hơn 75 tỷ đồng. Tiếp đó, dự kiến cuối tháng 11 này, Tổng công ty Công nghiệp Xi Măng Việt Nam (Vicem) cũng sẽ mang ra bán đấu giá toàn bộ hơn 14,9 triệu cổ phần tương ứng 24,67% vốn điều lệ công ty với mức giá khởi điểm 11.100 đồng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cũng vừa báo cáo thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tại CTCP Everpia Việt Nam (EVE). Theo đó, TP Bank đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu EVE theo phương thức thỏa thuận với mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,86% và không còn là cổ đông lớn của EVE. TP Bank bắt dầu sở hữu EVE từ năm 2013, và sau 2 năm làm cổ đông lớn, TP Bank đã thoái một phần vốn khỏi EVE, quy mô thoái vốn 37,5 tỷ đồng.
HĐQT CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) vừa có quyết định tái cấu trúc công ty bằng việc quyết liệt thực hiện việc thoái vốn khỏi các dự án đầu tư nhằm thu hồi vốn tối đa để tập trung xây dựng, phát triển đội tàu. Các dự án VIPCO Tower, Central Tower đang nằm trong danh mục thoái vốn của VIPCO. Bên cạnh đó, VIPCO cũng đang xúc tiến đề xuất phương án thoái vốn tại VIP Greenport. Sau quyết định thoái vốn này, cổ phiếu VIP đã có phiên tăng trần ngày 23/11.
Ngày 21/11 vừa qua, CTCP MHC cũng đã tổ chức phiên họp Đại hội cổ đông bất thường để thông qua việc thoái vốn tại Xếp dỡ Hải An (HAH). Hiện MHC đang sở hữu gần 65 triệu cổ phần HAH tương ứng giá trị đầu tư ban đầu hơn 71,6 tỷ đồng. MHC đang tìm kiếm đối tác để đàm phàn mức giá chuyển nhượng hợp lý. MHC cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ khi ĐHCĐ bất thường của công ty đã thông qua chọn đối tác chiến lược là CTCP Kho vận Miền Nam (STG). Đồng thời cho phép STG được mua và sở hữu đến 65% cổ phần công ty mà không cần chào mua công khai. MHC cũng dự định đầu tư tài chính thêm vào một số doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết.
Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cũng vừa đăng ký thoái toàn bộ vốn khỏi Sadico Cần Thơ (SDG) qua việc đăng ký bán toàn bộ 1,69 triệu cổ phiếu SDG đang nắm giữ, quy mô thoái vốn khoảng 40 tỷ đồng. Trước đó trong tháng 10, DATC đã bán đấu giá cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tuy nhiên, đã không có nhà đầu tư nào tham dự trong cả 2 phiên đấu giá đó.
Có thể thấy, giai đoạn cuối năm nay, việc thoái vốn diễn ra rầm rộ hơn bao giờ hết. Đây có lẽ là giai đoạn chạy nước rút cuối cùng khi mà các doanh nghiệp đã ồ ạt tái cấu trúc trong suốt mấy năm qua. Có lẽ, khi kinh tế hồi phục trở lại, các doanh nghiệp có cơ hội tốt hơn cho hoạt động tái cơ cấu tài sản của mình.
Trí Thức Trẻ