Hiu hắt tuyến đường sắt 'ế' nhất Việt Nam
Chuyến tàu tuyến Hạ Long - Yên Viên nhiều khi không có nổi một hành khách ngoài khoảng chục người buôn bán ngày ngày theo tàu đi lấy hàng.
- 16-08-2017Vì sao ngành đường sắt Việt Nam lạc hậu so với thế giới?
- 17-03-2017Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhân sự mới
- 20-12-2016Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chính thức phụ trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
- 31-10-2016Đường sắt Việt Nam tốc độ cao qua giải trình của Bộ Giao thông
Thấy tôi mua vé đi ga Yên Viên (Hà Nội), chị Lương Thị Quỳnh, nhân viên bán vé tàu ở ga Hạ Long (Quảng Ninh), khá bất ngờ: “Đầu tuần thường ít người đi lắm. Anh là người đầu tiên mua vé hôm nay đấy!”.
Nhà ga vắng tanh vắng ngắt. Gần tới giờ tàu chạy, phòng chờ chỉ có duy nhất một người đang ngủ say sưa.
Phòng chờ vắng hoe
Khu vực sân ga lao xao. Hàng hóa chuyển từ chuyến tàu vừa về ga lúc 12h xuống được mua bán ngay tại chỗ.
Tiếng gà vịt kêu, tiếng mặc cả, tiếng hò nhau dỡ hàng... y như một cái chợ quê. Cái không khí náo động ấy chỉ kéo dài chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, cho tới khi con tàu cũ kỹ lắc lư rời khỏi ga.
Hàng hóa nhanh chóng được di chuyển khỏi ga. Những người buôn chuyến lại tất tả ăn vội miếng cơm rồi lại theo tàu ngược lên đi lấy hàng.
Theo Trưởng ga Nguyễn Đức Đại, mỗi ngày ga Hạ Long đón từ 2-3 tấn hàng, chủ yếu là rau, củ, quả và gà vịt
Thương lái xuống hàng bán ngay tại sân ga
13h30 tàu quay đầu. Đoàn tàu cũ kỹ, ngoài đầu kéo, chỉ có 1 toa chở khách và 3 toa hàng. Trước đây, có 2 toa khách, 4 toa hàng, do quá ít khách nên đã cắt giảm xuống như hiện tại.
13h45, chuyến tàu duy nhất trong ngày lăn bánh.
Chuyến tàu Hạ Long - Yên Viên
Ở toa hành khách, 50 ghế nhưng chỉ có 5 vị khách. Mỗi người chiếm 1 dãy ghế, nằm xuống và... ngủ.
Mùi ẩm mốc xộc vào mũi, hệ thống âm thanh, quạt đã hỏng từ lâu, nhà vệ sinh cũ kỹ, thiết bị cứu hỏa nằm phủ bụi.
Hệ thống quạt và đèn hầu như đã hỏng
Bình cứu hỏa phủ bụi Các toa hàng dường như là nơi sinh động nhất. Một nhóm thương lái vừa lên tàu là ghép "cạ" chơi bài rôm rả. Số khác mắc võng theo dãy ghế dọc thân tàu, trao đổi với nhau vài câu rồi cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Toa chở hàng cũng chỉ có ít người
Nhiều người tranh thủ ngủ để đêm đi lấy hàng
Chị Phạm Thị Liên (34 tuổi) cho biết, chị lấy rau từ Bắc Giang về Hạ Long bán. “Nhà chưa có điều kiện mua xe tải, đi tàu chi phí vận chuyển rẻ mà lại an toàn”, chị chia sẻ.
Ngoài tiền vé tàu (toàn tuyến 70 nghìn đồng), họ chỉ phải trả 40 nghìn tiền cho khoảng 100kg hàng hóa.
Anh Đặng Đức Tuấn, nhân viên tàu cho biết, từ ga Hạ Long, tàu dừng đỗ ở 18 ga khác, mất hơn 8 tiếng mới tới ga Yên Viên.
“Cũng vì mất nhiều thời gian nên hầu hết người ta đi ô tô theo quốc lộ 18 để lên Hà Nội, chỉ mất 4-5 tiếng”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn kể, có hôm trời mưa, toa hành khách không bán được vé nào, các cô đi buôn treo võng nằm ngủ, mấy khoang tàu không một bóng người đi lại. Nghe tiếng cành cạch của bánh tàu nghiến xuống đường ray mà buồn hiu hắt.
“Tôi làm đây gần 10 năm rồi, chưa khi nào được thấy cảnh toa tàu đầy chỗ”, anh Tuấn tâm sự.
Trưởng ga Hạ Long Nguyễn Đức Đại cho biết, khách vãng lai chỉ vỏn vẹn 7-8 người mỗi chuyến, hầu như toàn đi đường ngắn, mấy ga lại xuống.
Công tác tại đây từ năm 2002, ít khi ông thấy tàu đông khách. Tổng số khách đi tàu cả năm chỉ được khoảng hơn 7.000 lượt. Ngoài số khách vãng lai có khoảng hơn 10 khách thường xuyên, tất cả đều là phụ nữ theo tàu đi buôn nhiều năm nay.
"Mỗi người vài tạ hàng mỗi ngày. Tính ra, những người này đóng góp tiền vé nhiều nhất", ông Đại cười buồn.
Tàu ít khách, nhân viên khá nhàn tản
Đến ga Yên Viên vào 21h tối, con tàu nằm trong đêm lạnh chờ đến sáng lại chở lưng lửng hàng hóa và chủ của chúng về về ga Hạ Long, chuẩn bị lặp lại một hành trình mới, hiu hắt.
Ông Lê Văn Quảng (SN 1947, quê Bắc Giang) bán nước chè trên tàu đã 3 năm nay. Ông kể tàu ngày càng ít khách
Ga Hạ Long nằm cạnh quốc lộ 18, thuộc phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh được khởi công từ 5/2005 và đưa vào sử dụng từ 10/2014 với tổng vốn đầu tư 1.510 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Nhà ga được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dạng bề thế nhất nhì miền Bắc.
Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN Đoàn Duy Hoạch cho biết, ga Hạ Long nằm trong dự án đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân.
“Sau khi Chính phủ có kế hoạch giãn, hoãn tiến độ thi công từ năm 2011 đến nay, do chưa thông được tuyến nên các ga này chưa phát huy được năng lực khai thác”, ông Hoạch nói.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho tái khởi động dự án này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục triển khai thì số tiền đầu tư cho dự án là khá lớn nên chưa biết Chính phủ có đồng ý cho tiếp tục triển khai hay không.
Vietnamnet