“Hộ chiếu vaccine” bằng QR Code hoạt động như thế nào?
Đại diện Trung tâm giải pháp Y tế cho biết, sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, chứng thực đã tiêm vaccine.
- 17-03-2021Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở lại đường bay quốc tế, áp dụng "hộ chiếu vaccine"
- 12-03-2021Bộ Ngoại giao nói gì về khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19?
Thông tin tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 , ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, Viettel đang kết hợp chặt chẽ Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, thực hiện việc rà soát và triển khai giải pháp "hộ chiếu vaccine " COVID-19.
Theo đó, "hộ chiếu vaccine" COVID-19 cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm.
Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm vắc xin COVID-19.
Khi tiêm chủng, người dân cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế để xác thực thông tin người đi tiêm. Thông tin người dân đến tiêm thu thập từ 2 nguồn: Do cơ sở y tế lập danh sách đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ; do người dân đến trực tiếp cơ sở y tế để cung cấp thông tin.
Trước khi thực hiện tiêm, bác sĩ ở bộ phận tiếp đón thực hiện chụp ảnh người dân/người được tiêm để lưu lại trên hệ thống (nếu cần); thông tin người dân chính thức được xác thực từ cơ sở y tế và lưu trữ vào công nghệ chuỗi - khối (Blockchain) khi thực hiện mũi tiêm đầu tiên.
Giải pháp được triển khai trên trang website phục vụ công tác tiêm và tra cứu thông tin; ứng dụng trên di động cho người dân và bác sĩ.
Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận "hộ chiếu vaccine" thông qua mã QR-code. Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản:
Số thẻ Bảo hiểm y tế hoặc chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân. Khi đến, người dân cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận.
Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.
"Tới đây, khi đi tiêm chủng, người dân phải tải ứng dụng hồ sơ điện tử trên hệ thống của Apple Store hoặc Google Play, khai báo lại thông tin cần thiết. Cơ sở y tế quét mã QR-code thay vì thực hiện thao tác trên giấy; thông tin cho người dân về vắc xin, điều khoản tiêm chủng… Sau đó, người dân được khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm và hoàn thành quy trình tiêm", Bộ trưởng nêu rõ.
Hiện nay Bộ Y tế và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.
Thêm 1 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh
Cũng trong ngày 19/3, Việt Nam chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm là người nhập cảnh tại TP.HCM.
Cụ thể, ca bệnh 2571 (BN2571): nam, 49 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.
Bệnh nhân trên từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/03/2021 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả xét nghiệm ngày 17/03/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Về công tác điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.198/ 2.570 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 37 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; 18 ca âm tính 2 và 63 ca âm tính 3 lần.
Nhịp sống doanh nghiệp