Hồ sơ FinCEN: Một số ngân hàng lớn nhất thế giới 'dung túng' rửa tiền
Hồ sơ FinCEN là vụ rò rỉ hơn 2.600 tài liệu liên quan đến các giao dịch đáng ngờ tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ USD.
- 18-09-2020Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp ngăn chặn tội phạm về tài chính và rửa tiền
- 02-11-2019Ngân hàng, bất động sản dẫn đầu nhóm có nguy cơ 'rửa tiền'
- 26-09-2019Ngân hàng lớn thứ 3 Hà Lan bị điều tra cáo buộc rửa tiền
Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN) là cơ quan thuộc Bộ Tài chính Mỹ chuyên thu thập và phân tích thông tin về các giao dịch tài chính nhằm đối phó tình trạng rửa tiền trong nước và quốc tế, tài trợ khủng bố cùng nhiều hình thức tội phạm tài chính khác.
Buzzfeed ngày 20/9 dẫn tài liệu mật do các ngân hàng nộp cho chính phủ Mỹ cho thấy một số ngân hàng toàn cầu lớn vẫn cho phép giao dịch lượng lớn tiền bị nghi là phi pháp trong gần 2 thập kỷ. Đây là vụ rò rỉ Hồ sơ FinCEN bao gồm 2.657 tài liệu, tâm điểm là 2.100 báo cáo về hoạt động đáng ngờ (SAR). Hồ sơ FinCEN còn được chia sẻ với Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ).
SAR không phải bằng chứng về sai phạm – các ngân hàng nộp SAR cho nhà chức trách nếu họ nghi ngờ khách hàng có thể đang làm việc xấu. Theo luật, ngân hàng cần biết khách hàng của họ là ai – chỉ nộp SAR, vẫn giao dịch “tiền bẩn” từ khách hàng trong khi chờ cơ quan hành pháp giải quyết vấn đề là chưa đủ. Nếu có bằng chứng về hoạt động phạm tội, ngân hàng nên dừng chuyển tiền.
Các SAR bị lộ được nộp cho FinCEN giai đoạn 2000 – 2017, tổng giá trị những giao dịch này là khoảng 2.000 tỷ USD. Fergus Shiel từ ICIJ nói Hồ sơ FinCEN “cho thấy những ngân hàng biết gì về dòng chảy tiền bẩn khổng lồ trên thế giới… Hệ thống có trách nhiệm xử lý dòng chảy tiền bẩn đã có vấn đề”.
FinCEN cho biết vụ rò rỉ có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia Mỹ, các cuộc điều tra và an toàn của những người nộp tài liệu. Cơ quan này tuần trước thông báo đề xuất cải tổ chương trình chống rửa tiền.
HSBC bị cáo buộc cho phép những kẻ lừa đảo chuyển hàng triệu USD trên khắp thế giới. Ảnh: BBC
. |
Dưới đây là một số nội dung chính trong Hồ sơ FinCEN.
HSBC cho phép những kẻ lừa đảo chuyển hàng triệu USD trên khắp thế giới, ngay cả khi được nhà điều tra Mỹ cảnh báo lừa đảo.
JPMorgan cho phép một công ty chuyển hơn 1 tỷ USD thông qua một tài khoản ở London mà không biết chủ tài khoản là ai. Ngân hàng sau đó phát hiện công ty thụ hưởng có thể là của một kẻ trong danh sách 10 tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Bằng chứng một trợ lý thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng ngân hàng Barclays ở London để né lệnh trừng phạt – theo đó, trợ lý này không được sử dụng dịch vụ tài chính ở phương Tây. Một phần số tiền được dùng để mua tác phẩm nghệ thuật.
Anh được coi là “vùng lãnh thổ có rủi ro cao” như Cyprus, theo bộ phận tình báo của FinCEN. Đó là do số lượng công ty đăng ký tại Anh xuất hiện trong SAR. Hơn 3.000 công ty Anh được nêu tên trong Hồ sơ FinCEN, nhiều hơn mọi quốc gia khác.
Ngân hàng trung ương Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất không hành động trước cảnh báo một công ty địa phương đang giúp Iran né lệnh trừng phạt.
Deutsche Bank chuyển tiền bẩn của những kẻ rửa tiền cho tội phạm có tổ chức, khủng bố và buôn bán ma túy.
Standard Chartered chuyển tiền cho Arab Bank suốt hơn 10 năm sau khi các tài khoản thụ hưởng tại ngân hàng của Jordan này được dùng tài trợ khủng bố.
“Bọn tội phạm không thể tự rửa tiền. Do đó, các ngân hàng có vai trò thực sự quan trọng vì họ chính là hệ thống đang được tội phạm sử dụng để chuyển tiền từ quốc gia chúng ẩn náu đến một nơi an toàn hơn”, Graham Barrow, chuyên gia về rửa tiền, nói với ICIJ. “Tất cả chúng ta là người phải trả giá cuối cùng cho điều này”.
NDH